Từ 16 giờ 09 ngày 8/11 (giờ Hà Nội), nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu diễn ra. Sự kiện nguyệt thực toàn phần diễn ra lúc 17 giờ 16 theo giờ Việt Nam và kéo dài khoảng 85 phút.
Lần nguyệt thực toàn phần này có thể quan sát được ở châu Đại Dương, châu Mỹ, châu Á và Bắc Âu, bằng mắt thường mà không cần thiết bị hỗ trợ.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời cùng nằm trên một đường thẳng, Mặt Trăng đi vào chóp bóng của Trái Đất và ở vị trí đối diện với Mặt Trời.
Xuyên suốt sự kiện, người yêu thiên văn cũng có thể thấy hành tinh thứ 7 - sao Thiên Vương - nằm gần Mặt Trăng bị che tối. Tại một số khu vực thuộc châu Á, bao gồm Hong Kong, có lúc sao Thiên Vương sẽ ẩn sau Mặt Trăng trong thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần.
Khi hiện tượng này diễn ra, ánh sáng Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng sẽ bị khí quyển của Trái Đất khúc xạ, hiện lên một màu đỏ trên bầu trời. Chính vì vậy hiện tượng này còn được gọi với cái tên là "Mặt trăng máu". Trong khi đó, trăng tròn vào tháng 11 còn được gọi là Mặt Trăng Hải ly nên hiện tượng ngày mai được biết đến là "Mặt trăng máu Hải ly".
Đây sẽ là nguyệt thực thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Năm 2023 cũng sẽ có 2 nguyệt thực vào tháng 5 và tháng 10.
Nhiều nơi ở Việt Nam sẽ có thể quan sát được lần nguyệt thực ngày mai. Mặc dù nguyệt thực toàn phần không hiếm, nhưng đây vẫn là sự kiện thiên văn đáng chú ý và khá đặc biệt với nhiều người.
Dưới đây là lịch trình chi tiết của hiện tượng, tính theo giờ Việt Nam ngày 8/11/2022 (Theo:Timeanddate.com)
- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15 giờ 02
- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16 giờ 9
- Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 17 giờ 16
- Nguyệt thực cực đại: 17 giờ 59
- Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18 giờ 41
- Nguyệt thực một phần kết thúc: 19 giờ 49
- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20 giờ 56