H’Nik ÊNuôl ở xã Đăk Liêng, huyện Lăk năm nay vừa tròn 27 tuổi nhưng đã là mẹ của ba đứa con gái. Do H’Nik nghỉ học từ năm lớp 8, bắt chồng sớm lại sinh đông con nên con cái thường xuyên đau ốm, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình H’Nik đều phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ làm thuê, làm mướn của người chồng. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn.
Còn H’Juyl Ê Ban vừa là người em họ hàng vừa là em dâu của H’Nik Ê Nuôl, hiện mới bước sang tuổi 16 nhưng đã mang thai được bốn tháng. Mặc dù, H’Juyl và gia đình đều hiểu rõ kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống là vi phạm pháp luật nhưng vì lỡ có thai nên hai bên gia đình vẫn chấp nhận tổ chức đám cưới.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk, mỗi năm, Đăk Lăk có khoảng 800 cặp tảo hôn và gần 20 cặp trường hợp hôn nhân cận huyết thống, trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Cư’Mgar, Krông Păk và Krông Bông.
Nguyên nhân chủ yếu, là do các cặp tảo hôn yêu sớm và quan hệ trước hôn nhân đã có thai ngoài ý muốn hoặc kết hôn cận huyết thống do muốn giữ tài sản của gia đình, không muốn tài sản vào tay dòng họ khác.
Để làm giảm các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận thuyết thống tại Đăk Lăk thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động; đặc biệt quan tâm sâu sát thôn, bản nắm bắt thông tin kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động can thiệp nhằm tiến tới giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận thuyết thống. Cần huy động mọi nguồn lực để phát hiện các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận thuyết thống từ đó có “phát đồ điều trị” phù hợp cho căn bệnh kinh niên này.
THIÊN ĐỨC