Nhiều hệ lụy
Cao Bằng là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhiều “cặp đôi” nên vợ nên chồng khi mà tuổi đời còn rất trẻ, kéo theo đó là cuộc sống cứ luẩn quẩn trong đói nghèo.
Như vợ chồng em Bàn Phụ Và-Hoàng Mùi Chuổng, dân tộc Dao, ở xóm Kéo Noóng, xã Bình Lãng, huyện Thông Nông. Và cùng Chuổng nên vợ nên chồng khi Và 17 tuổi, còn Chuổng 15 tuổi. Ở cái tuổi bạn cùng trang lứa còn lo học hành, vui chơi thì vợ chồng Và-Chuổng đã phải tự lập, lo toan cuộc sống; kinh nghiệm sản xuất, làm ăn, tư liệu sản xuất thiếu thốn nên hiện gia đình Và-Chuổng vẫn là hộ nghèo của xóm Kéo Noóng.
Vợ chồng Và-Chuổng là một trong những điển hình cho tình trạng nghèo vì kết hôn sớm trên địa bàn huyện Thông Nông. Theo thống kê, trong 3 năm (2016-2018), toàn huyện có 98 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hầu hết các gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo.
Ngoài huyện Thông Nông, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng. Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở hầu khắp các huyện như: Nguyên Bình, Thông Nông, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm… Chỉ tính riêng tại huyện Nguyên Bình, bình quân mỗi năm có 20-30 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, ngoài do phong tục, tập quán lạc hậu thì việc thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình là nguyên nhân chính khiến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra dai dẳng. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương còn bị động trong tuyên truyền, vận động, chưa xác định tầm quan trọng của ngăn chặn, giảm hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Kiên trì vận động
Theo ông Hùng, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai nhiều giải pháp để giảm những hủ tục trong hôn nhân ở vùng đồng bào DTTS. Một trong những giải pháp được cả hệ thống chính trị của tỉnh chú trọng thực hiện là tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Xã Bình Lãng, huyện Thông Nông được chọn làm điểm triển khai các biện pháp giảm hủ tục trong hôn nhân, từ đó tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng thực hiện trong toàn tỉnh. Xã thành lập các tổ tư vấn tại từng xóm, tuyên truyền quy định của pháp luật về hôn nhân, tác hại của hôn nhân cận huyết thống đến người dân. Các tổ tư vấn tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục các trường hợp có ý định tảo hôn hoãn cưới. Trong năm 2018, xã Bình Lãng có 5 trường hợp có nguy cơ tảo hôn, các tổ tư vấn đã tuyên truyền, vận động, hoãn cưới được 4 trường hợp.
Cũng như xã Bình Lãng, nhiều địa phương khác của huyện Thông Nông cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Thông Nông có chiều hướng giảm. Nếu năm 2016 có 39 cặp (một cặp hôn nhân cận huyết thống), năm 2017 có 32 cặp thì đến năm 2018 chỉ còn 27 cặp tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống…
Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực trong giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS. Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm hủ tục trong hôn nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các địa phương cần kết hợp việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, với xử phạt hành chính.
Những gia đình kiên quyết tổ chức tảo hôn, dù đã có sự vào cuộc, vận động của chính quyền cần xử phạt theo quy định của pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các địa phương cần kết hợp việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, với xử phạt hành chính. Những gia đình kiên quyết tổ chức tảo hôn, dù đã có sự vào cuộc, vận động của chính quyền cần xử phạt theo quy định của pháp luật.” (Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng)