Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1975), trước đây thuộc diện hộ nghèo nhất ở ấp biên giới Phước Mỹ, xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Ðược chính quyền địa phương hỗ trợ một con bò sinh sản theo hình thức nuôi bò mẹ, sinh bê con rồi chuyển giao bò mẹ cho hộ khác nuôi. Anh Tùng còn được vay vốn vay ưu đãi để mua thêm bò nên gia đình anh đã có được 2 con bò. Ngoài ra, anh còn nhận nuôi bò rẽ cho một số hộ khác (nuôi chia đôi bê con theo kiểu người có của, người có công).
Từ đó đàn bò của anh tăng dần theo từng năm. Rồi anh bán bớt bò, tích luỹ vốn. Sau nhiều năm tích luỹ, đầu năm 2017, gia đình anh Tùng mua được 1,2ha ruộng. Hiện nay trong chuồng nhà anh còn đến 13 con bò. Từ một hộ trắng tay chỉ làm thuê kiếm sống, nay hộ gia đình anh Tùng có ruộng sản xuất, có đàn bò chăn nuôi. Ngoài ra anh còn mướn 5ha ruộng để sản xuất.
Cũng như gia đình anh Tùng, nhiều hộ dân ở huyện Trảng Bảng cũng tích lũy để vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình ông Tạ Văn Thiền (ấp Bình Phước, xã Bình Thạnh) cũng khởi nghiệp từ 2 con bò. Được địa phương tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, ông mua thêm một con bò cái. Nhờ bán bò và tích luỹ dần, ông Thiền đã mua được 1,4ha ruộng. Hiện nay cuộc sống gia đình ông Thiền đã ổn định.
Những hộ thoát nghèo như gia đình anh Tùng, ông Thiền ở Trảng Bàng ngày càng xuất hiện nhiều ở các địa phương vùng khó khăn trên cả nước. Theo chia sẻ của anh Tùng, ông Thiện thì việc vươn lên thoát nghèo sẽ thuận lợi rất nhiều nếu bà con vận dụng được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế. Điều quan trọng nhất là phải biết tích lũy, từ chỗ không có để có, từ có ít thành có nhiều.
TÙNG NGUYÊN