Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Muốn làm giàu phải cải tiến để hội nhập!”

PV - 08:56, 12/06/2018

Đó là quan điểm của một nông dân ở vùng đất Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Suy nghĩ này đã luôn thôi thúc anh không ngừng cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất cho gia đình mình và bà con nông dân trong vùng để tăng sản lượng, chất lượng và thu nhập.

Mạnh dạn cải tiến kỹ thuật

Người nông dân nói trên là anh Trần Văn Phục, ấp Bình Du B, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung. Năm 1995, anh là một trong những nông dân đầu tiên của vùng đất cù lao mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mía sang trồng nhãn da bò. Những vụ đầu, giá giống nhãn này cao, nhưng cũng bấp bênh dần, lại thêm việc nhãn dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh chổi rồng, sâu đục trái… kinh tế thu về không cao. Một lần nữa anh lại trăn trở tìm hướng đi mới để chuyển đổi.

Anh Trần Văn Phục bên hệ thống phun nước, phân, thuốc tự động do mình tự sáng chế. Anh Trần Văn Phục bên hệ thống phun nước, phân, thuốc tự động do mình tự sáng chế.

 

Một lần, được Hội Nông dân huyện kết nối đi thăm quan vườn nhãn ido ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Nhìn thấy hiệu quả của giống nhãn mới này (nhãn ido có nguồn gốc từ Thái Lan): trái sai, cơm dày, ít sâu bệnh, giá thành cao… anh Phục mừng vui với suy nghĩ: “Đây mới chính là giống cây mình cần tìm!”.

“Sau khi đi thăm quan vườn nhãn ido về tôi hào hứng dữ lắm, nhưng tôi vẫn chưa dám mạo hiểm mà nghiên cứu thêm từ sách báo về giống nhãn mới này. Sau đó tôi đi thăm quan thêm nhiều mô hình nhãn ở nhiều tỉnh khác. Đến năm 2013, sau khi tích lũy được kinh nghiệm và kỹ thuật, tôi mạnh dạn chuyển gần 3ha vườn trồng nhãn da bò sang trồng nhãn ido”, anh Phục kể lại.

Trong gần 3ha vườn anh chia làm ba khu cải tạo, mỗi khu gần 7.000m2. Khu thứ nhất anh chuyển đổi hoàn toàn sang nhãn ido, mua cây giống về trồng; khu thứ hai anh giữ gốc nhãn da bò lâu năm lại và cấy ghép phôi để rút ngắn thời gian thu hoạch và khu thứ ba anh giữ lại nhãn da bò thêm một năm mới chuyển đổi, để thu hoạch hỗ trợ cho việc chuyển đổi hai khu đầu. Đợt cấy ghép phôi đầu tiên anh thất bại, 7.000m2 nhãn chết hết, đến lần ghép phôi thứ hai anh mới thành công.

Hiện nay khu vườn nhãn ido chuyển đổi hoàn toàn của anh cũng vừa thu hoạch xong vụ đầu tiên với năng suất 3tấn/ha, với giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, một công nhãn lời trên 50 triệu đồng.

“Vụ đầu, mỗi ha thu hoạch 3 tấn thì đến các vụ sau năng suất sẽ tăng gấp đôi. Với năng suất và giá thành hiện nay, trồng nhãn ido lãi gấp hai, ba lần nhãn da bò!”, anh Phục thông tin.

Không chỉ tìm tòi cây giống hiệu quả phục vụ sản xuất, mà anh Phục còn nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống phun tưới nước, phân, thuốc tự động, hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí rất hiệu quả. Theo anh Phục, từ khi sáng chế thành công hệ thống phun tưới nước, phân, thuốc tự động, mỗi năm gia đình anh giảm từ 20-30 triệu đồng tiền chi phí. Từ hiệu quả mô hình của anh, hiện nay nhiều người dân ở Cù Lao Dung đã mạnh dạn chuyển từ cây mía sang trồng cây nhãn ido.

Chuẩn bị nền tảng để hội nhập

“Trong tình hình mở cửa hội nhập thì nông dân cũng phải chuẩn bị kiến thức để hội nhập. Từ suy nghĩ đó mà nhiều năm nay tôi đã ấp ủ nhiều kế hoạch lâu dài để hội nhập, phát triển, có như vậy thì nông dân mới làm giàu được”, anh Phục nói.

Cùng với suy nghĩ là hành động, năm 2013 khi bắt đầu chuyển đổi sang trồng nhãn ido, anh Trần Văn Phục đã tham gia vào Hợp tác xã (HTX) An Phú Hưng, với vai trò Chủ nhiệm. Hiện tại, HTX có 32 hộ thành viên, trồng 50ha nhãn da bò và 30ha trồng nhãn ido, do hiệu quả nhãn ido cao, giá cả ổn định không năm nào dưới 20.000 đồng/kg, có năm tới 40.000 đồng/kg nên nhiều hộ xã viên tới đây sẽ chuyển sang trồng nhãn ido.

Để có những quả nhãn sạch, an toàn thực phẩm theo quy trình của HTX đưa ra, quy trình trồng nhãn ido được anh làm gần như tự động, từ khâu tưới nước với hệ thống đường ống dẫn nước, trộn phân vi sinh được tự động hòa trong hồ nước và phun qua hệ thống tự động trực tiếp vào gốc cây hằng ngày. Việc tiêu thụ trái cũng rất tốt do thị trường xuất khẩu nhãn liên tục tăng cao.

Anh Phục chia sẻ, trong thời gian tới, anh sẽ cải tiến hệ thống phun thuốc tự động theo dạng phun sương, để hạn chế tối đa tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả nhãn. Đồng thời, anh sẽ liên kết thành lập Liên minh HTX sản xuất nhãn ido theo dạng hữu cơ, khép kín để ký được các hợp đồng lớn với các thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết: Từ việc mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang cây nhãn ido thành công của anh Phục, hiện nay chúng tôi đang khuyến khích người dân chuyển đổi đa dạng hóa các loại cây trồng. Theo đó, chính quyền sẽ hỗ trợ 50% cây giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con an tâm chuyển đổi.

H.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.