Sau ngày hòa bình, người dân địa phương đã đánh đổi nhiều công sức, nước mắt và cả máu để khai phá, biến thành vùng đất màu mỡ để phát triển kinh tế. Từ bời bời cỏ dại, rắn rít và đạn bom, K4 bây giờ đã thật sự đã hồi sinh mạnh mẽ và từng ngày mang lại no ấm cho người dân…
Đất không phụ ngườiTừ sau ngày hòa bình, nhiều gia đình ở vùng đồng bằng xã Hải Phú đã cơm đùm mắm muối, phạt rừng tìm về K4 để khai phá. Ròng rã mấy chục năm bám trụ, cải tạo từng mét đất đầy đá sỏi, họ khắc trong mình niềm tin mãnh liệt rằng, rồi đất sẽ hồi sinh… Và bây giờ đất K4 khắc nghiệt đã và đang mang lại những mùa no ấm.
Dẫn chúng tôi thăm K4-được xem “thánh địa” cây cam ở Quảng Trị, ông Nguyễn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cứ xuýt xoa mãi về nghị lực và sự kiên trì của những người nông dân địa phương mình khi cố bám trụ trên vùng đất sỏi đá này. “Chính sự cần cù, nhẫn nại của những người nông dân ở vùng đồi K4 đã trực tiếp làm đất hồi sinh, cho quả ngọt lành. Anh nhìn đấy, toàn bộ khu triền đồi bên khe suối này giờ đã là bạt ngàn cây cam, đồi chè và nhiều loại cây ăn quả, hoa màu khác… Người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được giờ đây vùng đồi K4 đã trở nên trù phú thế này”, ông Nhạc bồi hồi xen lẫn tự hào nói.
Ở vùng đồi K4, anh em ông Trần Ngọc Nhơn và Trần Ngọc Trung bây giờ đã trở thành những người “nổi tiếng”, “người tiên phong” gắn với cây cam… Thập niên 90 là khoảng thời gian mà các mô hình kinh tế gia trại, trang trại bắt đầu manh nha. Cũng như những người nông dân chân chất khác, hồi ấy anh em ông Trung chỉ quẩn quanh ruộng vườn mưu sinh. Rồi cơ duyên và khát khao làm giàu đã đưa ông đến với vùng đất K4.
“Hồi ấy chấp nhận lên đây là một quyết định táo bạo và phải chịu đựng được vô vàn gian khổ mới trụ nổi. Muốn đi được phải phạt lối cây rừng, mất cả ngày đường mới đến được K4. Rồi mồ hôi, công sức, mắm muối chắp nối qua ngày, khai phá, cải tạo ròng rã gần chục năm trời… mới khuất phục được vùng đất, bắt nó phải cho quả ngọt”, ông Trần Ngọc Nhơn vừa loay hoay dùng cây đỡ những cây cam lúc lắc quả trĩu nặng, nhớ lại.
Lúc đó, anh em ông cải tạo được khoảng 10ha đất sỏi bên khe suối, trong đó trồng rừng khoảng 6ha, phần còn lại trên 4ha anh em ông dành ra để trồng cam và chè… Năm 2008, anh em ông Trung mang theo nắm đất K4, bắt xe đò lặn lội ra tận vùng cam nổi tiếng xứ Nghệ để quyết tìm mua giống về trồng. Sau khi được tận tình giúp đỡ, giảng giải, họ khuyên ông mua giống cam Vân Du, Xà Đoài về trồng vì qua nghiên cứu cho thấy, các giống cam này hoàn toàn thích hợp với chất đất ở vùng đồi K4.
Cam K4 đã dần được ưa chuộng“Trồng được cam ở K4 thì rất mừng nhưng khổ nhất hồi đầu là khâu tiêu thụ. Cả vườn cam với sản lượng vài tấn mà thời điểm những năm 2010, anh em tôi phải đèo xe máy kẹp từng sọt về chợ Diên Sanh, thị xã Quảng Trị, chợ Đông Hà… tiếp thị vừa bán vừa biếu, rồi hồi hộp đợi phản ứng của khách. Bởi thời điểm đấy, cam trong nước, cam ngoài nước tràn ngập thị trường, trong khi cam K4 thì mới toanh, khó có thể cạnh tranh”, ông Trần Ngọc Trung nhớ lại.
Từ những ngày đầu cực nhọc ấy, dần dần cam K4 đã từng bước chiếm được niềm tin của khách bởi đặc tính thơm ngon, mọng nước và đặc biệt là được sản xuất theo quy trình sạch, không phun thuốc trừ sâu trước thu hoạch từ đến 3-4 tháng, đảm bảo an toàn vệ sinh…
Thành công của vườn cam anh em ông Nhơn, đến nay vùng đồi K4 đã phát triển lên đến hơn 10ha cam và đều đã cho thu hoạch rất khả quan. Đó là những vườn cam rộng lớn của các hộ Văn Ngọc Chúng, Trần Lợi, Văn Tập, Văn Sở, Võ Trường… với bình quân mỗi hộ có diện tích trên 1,5ha. Điều đáng mừng là, những hộ trồng cam trên vùng đồi K4 đã có sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong kỹ thuật, kinh nghiệm trồng chăm sóc nên… đã cùng thành công với cây cam.
Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm, mỗi hộ đã có thu nhập từ 80-120 triệu đồng/ha cam, sau khi trừ chi phí. Cam vùng đồi K4 dần chiếm được niềm tin và chỗ đứng trên thị trường. Vào mùa thu hoạch, hầu như trên mỗi quầy hàng hoa quả trong tỉnh đều đã có mặt cam K4.
Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Bởi thị trường hiện nay luôn biến động khôn lường, nếu không xây dựng được thương hiệu, thì một loại nông sản nào đó mới được người dùng biết đến. Cụ thể ở đây là cam K4 sẽ khó lòng trụ bền vững giữa “ma trận” thị trường hoa quả vô cùng phong phú, đa dạng và đầy tính cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay.
Lãnh đạo huyện Hải Lăng và người trồng cam ở K4 cũng đã và đang trăn trở và tính cách xây dựng được thương hiệu cho cam K4.
LÊ ĐỨC VIỆT