Ông Đèo Xuân Vui, Chủ nhiệm HTX Phúc Vinh phấn khởi: HTX chúng tôi có 7 thành viên, có hơn 33ha trồng nhãn, năm 2018 dự kiến thu hoạch 150 tấn. Với giá bán bình quân 20 ngàn đồng/kg, thu nhập bình quân của các thành viên HTX khoảng 250 triệu đồng/năm. Đời sống của xã viên HTX được nâng cao rõ rệt, đã xuất hiện nhiều mô hình trồng nhãn cho hiệu quả cao.
Ông Lò Văn Cương, HTX Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Pú Bẩu chia sẻ: HTX Hưng Lộc được thành lập từ năm 2017 với 13 thành viên tham gia trồng 30ha nhãn, đến nay đã có 22 thành viên, diện tích 50ha, trong đó, 30ha đã được cấp chứng nhận VietGap. HTX cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Nhãn Sông Mã từ cuối năm 2017. Nhờ áp dụng KHKT nên cây nhãn cho năng suất 70-80 tạ/ha; cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha, đời sống xã viên trong HTX có sự thay đổi lớn nhờ cây nhãn.
Từ những năm 1961, cây nhãn được một số người dân từ Hưng Yên mang lên trồng trên đất Sông Mã và được xem là loại cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Toàn huyện Sông Mã hiện có trên 34 ngàn hộ dân trồng nhãn với diện tích 6.098ha, chiếm trên 83% diện tích cây ăn quả của toàn huyện.
Xác định tầm quan trọng của cây nhãn, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về phát triển cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020; tích cực cải tạo vườn nhãn. Tháng 6/2017, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Đây là cơ hội lớn để sản phẩm nhãn Sông Mã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với chất lượng thơm ngon, đặc trưng hương vị núi rừng Tây Bắc.
Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2020 có 9.435ha cây ăn quả các loại, trong đó, diện tích nhãn trên 7.000ha, sản lượng 75.000 tấn. Huyện sẽ nhân rộng mô hình ghép cải tạo diện tích cây nhãn hiện có và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT thâm canh nhãn tại các xã có đường giao thông thuận tiện để sản xuất nhãn tập trung, an toàn. Tiếp tục mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất nhãn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản. Theo bà Lê Thị Yến, huyện Sông Mã cũng đã có kế hoạch xuất khẩu nhãn sang thị trường Úc, Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác trong thời gian tới.
Năm nay nhãn được mùa lớn. Tuy nhiên, nỗi lo “được mùa mất giá” đang hiện hữu khi giá nhãn đầu mùa tại vườn và tại các chợ ở Hà Nội và các tỉnh đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngay trong những ngày cuối tháng 7/2018 “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” đã được triển khai tại siêu thị BigC Hà Nội. Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La cho biết: “Chúng tôi hy vọng thông qua hệ thống Big C, sản phẩm nông sản Sơn La sẽ đến được với người tiêu dùng Thủ đô, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định, giúp bà con vùng Tây Bắc có thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Cùng với việc mở bán tại siêu thị BigC, hệ thống siêu thị Fivimax, nhãn Sơn La đã được đưa về Thủ đô bằng “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018” được tổ chức những ngày đầu tháng 8/2018 tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội. Bên cạnh đó, UBND huyện Sông Mã phối hợp với Sở NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã vùng xuất sang thị trường Úc, với diện tích 22,35ha, sản lượng 220 tấn tại 3 HTX (Bảo Minh, Hoàng Tuấn, An Thịnh).
Trong những ngày hội nhãn tại Sông Mã, một doanh nghiệp lớn từ TP. Hồ Chí Minh đã đến đặt vấn đề, xây dựng chương trình làm ăn lớn, lâu dài để xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ. Riêng trong năm nay, Công ty TNHH Vina T&T có thể bao tiêu xuất khoảng 500 tấn nhãn sang Mỹ. Hiện nay, Công ty đã cử một tổ cán bộ kỹ thuật ra hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX trong huyện thực hiện cách thu hái, cắt tỉa và đóng nhãn theo quy định của Công ty.
Đã có nhiều tín hiệu vui từ Ngày hội nhãn Sông Mã. Chính quyền và người dân Sông Mã đã có thêm cơ sở để tin tưởng vào những vụ mùa bội thu từ nhãn.
MINH THU