Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Minh chứng sinh động phản bác các luận điệu bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế

PV - 11:35, 12/09/2023

Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 5/9/2023 đã tiến hành các phiên bế mạc Khóa họp lần thứ 77 và khai mạc Khóa họp lần thứ 78. Với việc kết thúc Khoá 77 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng từ tháng 9/2022 tới tháng 9/2023.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang (giữa), Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, chủ trì một phiên họp của Đại hội đồng.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (giữa), Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, chủ trì một phiên họp của Đại hội đồng.

Qua đó, khẳng định vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Nhìn lại trong quá trình thực hiện vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng, các thế lực thù địch, phản động không ngừng chĩa mũi nhọn tấn công, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Việt Nam, phủ nhận những thành quả mà chúng ta đã đạt được, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những luận điệu bịa đặt cũ mòn

Với các sự kiện ngoại giao quan trọng, nhất là khi Việt Nam trúng cử vào vị trí của các tổ chức thuộc Đại hội đồng LHQ, các thế lực thù địch, phản động lập tức tổ chức những chiến dịch chống phá cả trước, trong quá trình Việt Nam thực hiện nhiệm kỳ của mình. Nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các tổ chức phản động lưu vong người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong, ngoài nước bị các thế lực thù địch mua chuộc, lợi dụng, số này thường núp bóng ngọn cờ dân chủ, nhân quyền, chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam. Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà tự do (FH)... thường xuyên đưa ra các bài viết vu cáo, xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tự do dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Luận điệu này mục đích gây bất lợi cho Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, vu cáo rằng Việt Nam “đàn áp nhân quyền”, “vi phạm quyền tự do, dân chủ” thì “không đủ tư cách” tham gia vào các tổ chức của LHQ. Đồng thời, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống phá ở trong, ngoài nước còn tìm cách kêu gọi cộng đồng quốc tế tẩy chay những hoạt động mà Việt Nam đăng cai, gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” đến các đoàn, cơ quan ngoại giao nước ngoài yêu cầu can thiệp những vấn đề trong nước, gây sức ép đối với chính quyền, triệt để thực hiện phương châm “quốc tế hóa các vấn đề nội bộ”. Họ dựng lên các “vụ án nhân quyền”, “tiếng nói dân chủ”, “tù nhân lương tâm”, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác; phủ nhận thành tựu trong công tác đối ngoại, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Với âm mưu chống phá đến cùng, họ cố tình bôi nhọ, đổi trắng thay đen, cố tình không nhìn thấy sự thật rằng: Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu cao nhất. Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo hiến pháp, pháp luật. Những năm qua, người dân Việt Nam đã và đang được thụ hưởng ngày càng tốt hơn từ thành tựu phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực về kinh tế, xã hội. Đảm bảo quyền con người luôn là ưu tiên cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, nhất là dành sự ưu tiên đối với những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.

Đương nhiên, trong quá trình thực hiện, có những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước chưa được đảm bảo tại một số lĩnh vực, địa bàn; còn sự nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ công quyền, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đời sống đồng bào, nhất là vùng sâu, vùng xa còn những khó khăn cả về vật chất và tinh thần… Những tồn tại, hạn chế đó có các nguyên nhân khách quan, chủ quan và trong quá trình phát triển, Đảng, Nhà nước ta luôn có các tổng kết, đánh giá, đưa ra các giải pháp khắc phục để đảm bảo đời sống người dân ngày càng được tốt hơn.

Sự nguy hại của những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt là luôn tìm cách quy hiện tượng thành bản chất, đánh đồng mọi hiện tượng tiêu cực thành bản chất của chế độ. Sự lặp đi lặp lại các luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc này nhằm gây ra sự hoang mang, dao động, chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam với các nước, khiến dư luận quốc tế hiểu sai lệch về Việt Nam.

Những thành tựu góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

Sau 78 năm giành độc lập, trong đó 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ chỗ là một quốc gia thuộc địa, bị xâm lược và rồi bị chia cắt hai miền, Việt Nam đã giành và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đạt được những bước phát triển vượt bậc. Từ tình trạng chậm phát triển và bị tàn phá nặng nề sau khi thoát khỏi chiến tranh năm 1975, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước có tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, nỗ lực thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thành viên một số cơ quan của tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ (hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025), thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Y tế thế giới - WHO (nhiệm kỳ 2016-2019), thành viên Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (nhiệm kỳ 2022-2025)...Việt Nam cũng đã hoàn thành Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền LHQ và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3. Do vậy, Việt Nam có đủ uy tín, sự minh bạch và kinh nghiệm để hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhiệm kỳ 2022-2023. Đây là một trong những minh chứng thuyết phục bác bỏ luận điệu xuyên tạc về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã cùng một số nước đề xuất các sáng kiến, giải pháp trên nhiều vấn đề lớn của LHQ như đề cao luật pháp quốc tế, đại dương và luật biển, an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và phòng ngừa tội ác chống lại nhân loại, tiếp cận công lý bình đẳng, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao về phòng chống dịch bệnh, bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, cải tổ hoạt động của Đại hội đồng LHQ, báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về hoạt động của tổ chức, báo cáo của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), báo cáo của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC)…

Nổi bật là Việt Nam đã chủ trì Đại hội đồng LHQ thảo luận và thông qua Nghị quyết yêu cầu Toà án Công lý quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các nghị quyết về việc tổ chức phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, bao phủ bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, thúc đẩy các nội dung thảo luận tại Hội nghị của LHQ về nước… Sự tham gia chủ động và tích cực của ta đều nhằm đóng góp một cách cụ thể, thực chất vào công việc chung và các ưu tiên lớn của LHQ và cộng đồng quốc tế; đóng góp vào thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế và tăng cường chủ nghĩa đa phương để ứng phó hiệu quả trước các thành thức toàn cầu nổi lên ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hỗ trợ Chủ tịch Đại hội đồng điều hành suôn sẻ và hiệu quả các công việc chung của LHQ, trong đó có các sự kiện lớn cấp cao và các phiên họp quan trọng của Đại hội đồng cũng như trong điều phối và dẫn dắt quá trình thảo luận, thương lượng xây dựng các văn kiện, tiến trình mang tính định hướng chiến lược lâu dài của LHQ cho các năm tiếp theo. Việt Nam là nước được Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khoá 77 tín nhiệm, giao chủ trì điều hành nhiều cuộc họp của Đại hội đồng. Có thể nói, đất nước ta đã khẳng định được vị thế và chủ động có nhiều đóng góp quan trọng tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đồng thời tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu thông qua đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Trong 46 năm là thành viên của LHQ, Việt Nam đã gánh vác nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy LHQ là trọng tâm, Việt Nam - trên cương vị mới, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của LHQ, đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.

Sự kiện Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ với nhiều đóng góp thiết thực cho nhân loại một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cho thấy sự ghi nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Đây là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục để phản bác những luận điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận những tiến bộ và thành tựu kinh tế, xã hội, đối ngoại nước ta.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.