“Ra” Ba Bể, “vào” Ngân SơnTrước năm 2017, Bắc Kạn có 2 huyện nằm trong danh sách các huyện nghèo 30a là Ba Bể và Pắc Nặm. Trong 2 năm 2016 và 2017, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3 trăm tỷ đồng để thực hiện Chương trình 30a, Chương trình 135,… Trong đó, năm 2016 được bố trí hơn 146,5 tỷ đồng; năm 2017 được bố trí hơn 157 tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng chính sách để hỗ trợ đồng bào các dân tộc trên địa bàn giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của Bắc Kạn không mấy khả quan. Hết năm 2016, theo Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 10/2/2017 phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh còn 20.809 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 26,61% tổng số hộ; giảm 2,79% so với năm 2015. Năm 2017, toàn tỉnh cũng chỉ giảm được 2,08% số hộ nghèo xuống còn 24,53%.
Đáng chú ý, theo Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, Ba Bể là một trong 8 huyện trên cả nước được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo. Tuy nhiên, cũng theo Quyết định 275/QĐ-TTg thì huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn được bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Như vậy, cùng với Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn vẫn giữ nguyên 2 huyện nghèo như giai đoạn trước.
Kế hoạch giảm nghèo còn chung chungNăm 2018, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu giảm 2,7% hộ nghèo, gần bằng mức giảm của năm 2016. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn “đón” thêm nhiều nguồn lực đầu tư hơn so với năm 2017.
Đáng chú ý là các nguồn lực từ Chương trình 30a (57 tỷ đồng), Chương trình 135 (126 tỷ đồng); vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 (630 tỷ đồng). Ngoài ra còn có nguồn lực từ chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội (khoảng 64 tỷ đồng); chính sách hỗ trợ về giáo dục (44 tỷ đồng)…
Mặc dù nguồn lực đã được bố trí, tỉnh cũng đã sớm có kế hoạch triển khai, tuy nhiên theo đánh giá, công tác giảm nghèo ở Bắc Kạn vẫn rất nan giải. Bên cạnh những khó khăn trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo do Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn thì các địa phương trên địa bàn cũng rất lúng túng trong triển khai.
Ngày 08/6 vừa qua, dưới sự chủ trì của ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, các sở ngành liên quan đã họp bàn để tìm giải pháp thực hiện mục tiêu gảm nghèo năm 2018. Tại cuộc họp này, hạn chế nhất được chỉ ra trong công tác giảm nghèo của tỉnh hiện nay là kế hoạch thực hiện giảm nghèo của cấp huyện, xã còn chung chung, chưa có giải pháp đối với từng đối tượng cụ thể.
Để phát huy nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, giảm nghèo bền vững thì trước hết, trên hết là phải xác định được hộ nghèo vì nguyên nhân gì (nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản...); từ đó các địa phương mới thiết kế được những giải pháp phù hợp. Nhưng vướng mắc lại xuất hiện khi các địa phương vẫn chưa cập nhật được dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo vào hệ thống quản lý thông tin quản lý trợ giúp xã hội.
Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, hết tháng 5/2018 các địa phương phải hoàn thành cập nhật dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo của năm 2016, năm 2017. Nhưng, đến tháng 6/2018 mới chỉ có huyện Pắc Nặm hoàn thành cập nhật dữ liệu năm 2016 và đang triển khai cập nhật dữ liệu năm 2017; các địa phương khác chưa hoàn thành.
Với những “nút thắt” nêu trên, nếu không có ngay giải pháp tháo gỡ thì liệu hết năm 2018, tỉnh Bắc Kạn có đạt mục tiêu đề ra trong công tác giảm nghèo?
TÙNG NGUYÊN