Những năm gần đây, để tăng thêm thu nhập, người dân Đình Lập đã trồng xen dưới tán thông nhiều diện tích cây dược liệu.
Từ nhiều năm nay, gia đình anh Tô Văn Toàn, ở xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) xem cây thông như “người bạn tri kỷ” là cây xóa nghèo. Với giá bán 15.000-20.000 đồng/kg nhựa thông, mỗi ha thông mỗi năm đem lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Từ năm 2013, gia đình anh Toàn đã trồng xen 1ha cây sa nhân tím dưới tán thông. Với giá bán trung bình 150-200 nghìn đồng/kg quả tươi, mỗi năm, gia đình anh có thêm thu nhập vài chục triệu đồng.
Việc trồng xen cây sa nhân có nhiều lợi ích, vừa chống xói mòn, giữ ẩm cho đất, cây thông còn tạo bóng mát cho sa nhân phát triển. Việc trồng xen cây dược liệu dưới tán thông được xem là cách làm “lấy ngắn nuôi dài” , không chỉ tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý. Được biết, hiện toàn huyện Đình Lập có hơn 40.000ha rừng thông mang lại sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm; huyện cũng đã lên kế hoạch để hỗ trợ bà con “phủ xanh” cây dược liệu dưới diện tích thông hiện có.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Hoàng Thanh Đạm, để nâng cao giá trị dược liệu, cũng như bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định cho loại cây trồng này, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm dược liệu. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận khoa học-kỹ thuật, tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, cho khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện sẽ chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý một cách bền vững.
Tùng nguyên