Thông tin trên được ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) chia sẻ tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 5/2018 do BHXH Việt Nam tổ chức chiều 30/5, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong tháng 5/2018, toàn Ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần; 858.380 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 5 tháng đầu năm đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 296.916 người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; 3.954.791 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Lý giải về số lao động nhận trợ cấp BHXH một lần có xu hướng tăng cao với 85.000 người nhận trong tháng 5/2018 và trong 5 tháng có gần 300.000 người, ông Lê Đình Quảng chia sẻ, theo khảo sát, trong số hồ sơ hơn 10.000 người thôi việc, có trên 90% người trên 35 tuổi nhận trợ cấp thôi việc 1 lần. Họ thường là những lao động làm việc trong các doanh nghiệp có điều kiện lao động khó khăn, sử dụng nhiều lao động nhưng lại ít kỹ năng chuyên môn như: Dệt may, da giày, thuỷ sản... Do đó, những lao động này khi mất việc, hầu hết đều không có hy vọng tìm được công việc khác có nguồn thu nhập ổn định để tiếp tục tham gia BHXH. Vì vậy, họ không tiếp tục tham gia BHXH nữa, mà muốn được nhận trợ cấp một lần.
Ngoài ra, theo ông Quảng, chính sách BHXH cũng chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt: “Phải đóng ít nhất 20 năm, người lao động mới nhận được lương hưu, như vậy quá dài. Ngoài ra, quy định cho người lao động được hưởng chính sách BHXH một lần còn dễ dàng. Về lâu dài, chúng tôi không mong muốn gia tăng số người lao động nhận BHXH một lần".
Cũng theo ông Quảng, một khảo sát của Viện công nhân-công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) được thực hiện với 2.550 lao động (62% là nữ) tại 14 tỉnh đại diện của 6 vùng kinh tế tại miền Bắc, Trung và Nam cho thấy có một tỉ lệ lớn NLĐ có thu nhập rất thấp nên buộc phải chi tiêu rất tằn tiện, kham khổ. Có tới 52% người lao động phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống; chỉ 16% người lao động có tích luỹ. Còn lại hầu hết khi nghỉ việc không có thu nhập, không tiếp tục tham gia BHXH nữa, mà muốn được nhận trợ cấp một lần.
Những lao động được khảo sát gồm làm việc trong các doanh nghiệp nông-lâm-thủy sản, khai khoáng, dệt may-da giày, điện-điện tử, gỗ, hóa chất, giấy, chế biến…
Theo kết quả điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% NLĐ làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ gia đình, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...
Được biết, những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 700.000 người lao động (NLĐ) hưởng trợ cấp thôi việc 1 lần. “Tức là có khoảng 700.000 người đã ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Con số này tương tự số người lao động tham gia hệ thống an sinh xã hội hàng năm. Đứng ở góc độ công đoàn, có thể coi đây là một vấn nạn” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Tại hội nghị, nhiều phóng viên báo chí đã bày tỏ sự quan tâm về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, tất cả 11 nội dung cải cách được nêu trong Nghị quyết sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới và đều hướng tới mục tiêu an sinh xã hội bền vững. Theo đó, những cải cách này sẽ mang lại lợi ích lâu dài và thiết thực cho số đông NLĐ và người dân.
“Với trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ đảm bảo triển khai các nội dung cải cách này hiệu quả sau khi được luật hóa”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam cùng cho rằng, những cải cách trong Nghị quyết 28-NQ/TW (rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng chính sách BHXH đa tầng để bảo đảm sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia...) sẽ là động lực để tăng diện bao phủ BHXH một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, sẽ giúp mở rộng diện tham gia trong khu vực phi chính thức và giảm số người hưởng BHXH một lần…/.
THEO ĐẢNG CỘNG SẢN