Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố thống kê năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam. Theo đó, tính theo sức mua tương đương, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Đáng chú ý là, chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Con số công bố không khỏi động chạm lòng tự ái dân tộc ở nhiều người chúng ta. Và sẽ tệ hơn, nếu kết quả này được đem ra làm số liệu báo cáo tại các hội thảo quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, làm dẫn liệu tại các hiệp thương kêu gọi vốn đầu tư...
Vì vậy, lấy lao động giá rẻ làm ưu thế cạnh tranh là trái với xu thế hiện nay. Và việc đón đầu xu thế nâng chất lượng nguồn lực lao động gắn với kỹ năng chuyên sâu qua đó thanh lọc chất lượng các dự án đầu tư... phải trở thành chính sách ưu tiên.
Để làm được việc này, Việt Nam cần tái quy hoạch giáo dục dạy nghề chuyên môn sâu, cùng với việc huấn luyện các kỹ năng mềm như: tinh thần kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ, lòng tự hào dân tộc... Có chính sách ưu đãi đào tạo ra những “nhân sự nòng cốt” cho từng lĩnh vực ngành nghề.
Khi có trong tay “đội quân tinh nhuệ” thì chúng ta tự tin ngã giá với các nhà đầu tư: “tiền nào của đó”! Nhà nước sẽ thu được dự án đầu tư có chất lượng, đời sống người lao động được bảo đảm, NSLĐ tăng cao, doanh nghiệp cũng nhờ đó mà gia tăng lợi nhuận...
Trong tương lai không lâu, lao động Việt Nam không chỉ cạnh tranh năng suất lao động với các nước trong khu vực, mà còn phải cạnh tranh với công nghệ robot. Nếu chậm trễ trong việc chuẩn bị nguồn lực nhân sự chính quy, thì thị trường lao động nước nhà sẽ mất phương hướng, phát triển chắp vá, thiếu thừa hoảng loạn... Nạn “chảy máu chất xám” lao động lành nghề sẽ càng diễn ra khốc liệt.
THIÊN ĐỨC