Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin

PV - 09:57, 15/10/2018

Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc là động lực quan trọng phát triển kinh tế số, là nền tảng của kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Ở tỉnh miền núi Lào Cai, công nghệ thông tin đã thực sự mang lại hiệu quả, tăng độ chính xác, tiết kiệm thời gian cho các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Lào Cai Việc lắp đặt hệ thống đo mưa tự động, góp phần không nhỏ trong việc dự báo, cảnh báo thiên tai mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua.

Thời gian trước, để làm các thủ tục về đất đai (quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, mua bán, sang tên...), người dân trên địa bàn TP. Lào Cai phải thực hiện rất nhiều thủ tục, đi đến nhiều cơ quan ban ngành để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, những thủ tục này đã được giảm thiểu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Lào Cai cho biết: Trước đây, sau khi tiếp nhận, kiểm tra và thẩm định hồ sơ liên quan đến đất đai, chúng tôi phải cầm hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chúng tôi không cần cầm hồ sơ trực tiếp lên tỉnh ký. Nhờ vậy, giảm rất nhiều thời gian của cán bộ trong Văn phòng cũng như người dân.

Những năm gần đây, Lào Cai thường xuyên phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra. Việc lắp đặt 10 trạm đo mưa tự động tại các huyện, thành phố và một số hồ thủy điện trên địa bàn, đã góp phần đưa ra những cảnh báo sớm nhất cho người dân và chính quyền các địa phương trong việc ứng phó với thiên tai, mưa lũ.

Theo chị Nguyễn Thị Huyên, cán bộ địa chính, nông-lâm nghiệp xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết: Các trạm đo mưa này hoạt động liên tục và tự động gửi số liệu về theo cấu trúc tin nhắn SMS của mạng thông tin hiện có tới hệ thống máy chủ thu số liệu để biên tập, phân tích.

“Xã chúng tôi có rất nhiều thôn vùng cao, vùng sâu, xa hay bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Nếu không nắm bắt được tình hình mưa lũ ở các vùng lân cận sẽ không thể chủ động phòng chống được. Từ khi có hệ thống đo mưa, chúng tôi có thể xem trạm đo mưa ở trên Sa Pa, có thể ước được là ở trên ấy mưa như thế nào và nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới địa bàn mình và thông báo cho nhân dân có thể phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất”, chị Huyên giải thích.

Ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai đã có Đề án số 20 về phát triển Công nghệ thông tin giai đoạn 2017-2020. Qua thời gian triển khai Đề án cho thấy, việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc đang mang lại hiệu quả cao, nhất là trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính...; Đến nay, đã có trên 70% hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước được cập nhật, xử lý trên phần mềm.

Năm 2017, Lào Cai xếp thứ 7 toàn quốc về chỉ số xếp hạng ICT Index. Trong đó, chỉ số xếp hạng về ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước đứng thứ 6, chỉ số dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 4. Tất cả các cơ quan Nhà nước các cấp được triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp chữ ký số và phần mềm dịch vụ hành chính công của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, có gần 37 nghìn hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống điện tử.

Ông Tăng Văn Hạnh thông tin thêm, đến thời điểm này, toàn tỉnh Lào Cai đã có 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có mạng LAN kết nối Internet băng rộng; 15% (25/164) cơ quan cấp xã được triển khai mạng LAN theo dự án Phát triển hạ tầng CNTT và khoảng 5% cấp xã đã chủ động đầu tư mạng LAN đạt chuẩn.

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh, đến nay, đã cấp được 9.542 hộp thư công vụ của tỉnh và đưa vào sử dụng cho 100% cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh... Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã có trên 710 nghìn văn bản được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản, 34.710 bộ hồ sơ được giải quyết, đạt 94% trên phần mềm hành chính công, 80% văn bản điện tử có chữ ký số được trao đổi giữa cơ quan Nhà nước...

Bước đột phá trong ứng dụng CNTT là nền tảng, quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở Lào Cai.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.