Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Làng nghề gỗ lũa ở Lâm Sơn

PV - 15:53, 12/08/2019

Nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh đã có mặt ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hơn 20 năm nay. Dưới bàn tay chế tác tài hoa của người thợ, những lũa gỗ, phiến đá vô tri bỗng trở thành những kiệt tác độc đáo và sống động.

Đến thăm làng nghề gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn. Nơi đây, các cơ sở hoạt động khá nhộn nhịp. Chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hồn của những tác phẩm mỹ nghệ nơi này.

Từ một vài hộ mang tính đơn lẻ, đến nay, các cơ sở sản xuất gỗ lũa ở xóm Đoàn Kết phát triển khá nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng. Các loại gốc cây, phiến đá, được các nghệ nhân, thợ lành nghề đang hằng ngày sáng tạo thành các sản phẩm như bàn ghế, tủ kệ, giường, các loại linh vật có tính nghệ thuật cao.

Sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết được khách hàng ưa chuộng.

Qua sự chỉ dẫn của một người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở của anh Đoàn Xuân Thành. Hiện anh Thành đang sở hữu hàng trăm sản phẩm mỹ thuật có giá trị cao như: long chầu, thần tài từ gốc gỗ nghiến; tượng ông thọ được chế tác từ gỗ lu… Hiện tại, cơ sở của anh thu hút 8 lao động, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Riêng với thợ chế tác tay nghề cao, anh trả mức lương trên 10 triệu đồng. Doanh thu của gia đình anh Thành bình quân trên 100 triệu đồng/tháng.

Anh Đoàn Xuân Thành chia sẻ: Nghề gỗ lũa, đá cảnh của Lâm Sơn có nhiều điều kiện để phát triển vì sở hữu nguồn nguyên liệu là những gốc cây quý, đá cảnh quý tự nhiên của địa phương. Cùng với đó là tay nghề của đội ngũ nghệ nhân, công nhân kỹ thuật đã tạo được uy tín trên thị trường.

Theo đó, các mặt hàng mỹ nghệ của địa phương đã cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm quý được chế tác từ các loại gỗ quý hiếm, có giá trị nghệ thuật cao như Long Chầu, Ngũ Phúc, Tam Bảo…

Với 20 năm làm nghề chế tác gỗ lũa tại làng nghề Đoàn Kết, ông Trần Xuân Tú, chủ cơ sở sản xuất gỗ lũa Xuân Tú cho biết: Xưởng chế tác của ông hiện có 6 thợ làm nghề. Việc giao dịch sản phẩm gỗ lũa diễn ra quanh năm nhưng cao điểm và nhộn nhịp nhất vẫn là dịp Tết. Khách hàng chủ yếu là các mối mua buôn chuyển về các tỉnh miền xuôi.

Hiện nay, sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề thường xuyên tham gia hội chợ ở các tỉnh khu vực phía Bắc như: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam... Vì thế, sản phẩm bán khá chạy, thu nhập của người làm nghề ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn cho biết: Nghề sản xuất, kinh doanh gỗ lũa, đá cảnh, tập trung ở xóm Đoàn Kết, với khá đông nghệ nhân, công nhân kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ có chất lượng cao, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân trong khu vực. Nghề gỗ lũa, đá cảnh của xã đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.

TUẤN TRÌNH