Cũng là gốm đất nung nhưng gốm ở Trà Quang Nam có khác với gốm ở một số địa phương do đất sét lấy từ hố khai thác có nhiều mùn, nên rất mịn, màu hơi vàng sẫm. Đất nguyên liệu đưa về được phơi khô, sau đó lọc trong nước để loại bỏ tạp chất... Trước đây, thường phải lọc thủ công, nhưng nay nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư lắp đặt máy sàng lọc, nhờ đó chất lượng đất tốt hơn nhiều.
Sản phẩm gốm Trà Quang Nam có nhiều loại như: ấm sắc thuốc, niêu kho, lò trấu… Mấy năm gần đây, do xu hướng tìm lại những giá trị truyền thống, làng gốm Trà Quang Nam cũng hưởng lợi và đã chuyển mình khá mạnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Ông Bùi Văn Đức, Trưởng khu phố Trà Quang Nam, cho biết: “Sản phẩm của Trà Quang Nam rẻ, chất lượng lại tốt, nên nhiều nơi đã tìm đến đặt hàng. Nhờ vậy đời sống của người làm gốm cũng dễ chịu hơn”.
Để nghề truyền thống không bị mai một, ngoài việc tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định, thì việc khơi dậy sự quan tâm của lớp trẻ dành cho nghề là việc hết sức cần thiết. Thời gian gần đây, với sự ủng hộ của chính quyền, ngành Giáo dục huyện Phù Mỹ đã tổ chức cho các em học sinh đến Trà Quang Nam để tìm hiểu về nghề truyền thống và học cách làm gốm.
Điển hình là Trường Tiểu học số 2, thị trấn Phù Mỹ đã nhiều lần tổ chức cho học sinh đến thăm quan làng gốm. Em Phan Văn Tú, học sinh lớp 5 chia sẻ: “Khi đến đây, được các bác giới thiệu về nghề gốm, chỉ cách để nặn ra một sản phẩm gốm và còn có thể mang sản phẩm của mình về nữa”.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện cũng tổ chức tuyên truyền, dạy nghề nhằm giúp phụ nữ trong huyện có thêm nghề để tăng thu nhập và quan trọng hơn, là giữ gìn nghề truyền thống ở địa phương.
Đặc biệt, các thợ gốm trong làng rất chú trọng truyền dạy nghề cho con cháu mình. “Cả nhà tôi ai cũng làm nghề này, nên cũng muốn truyền dạy cho con mình hiểu, để sau này nếu không tìm được việc tốt, thì vẫn có nghề nuôi sống bản thân”, chị Nguyễn Thị Ty, một người dân làm gốm cho hay
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Huân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phù Mỹ, cho biết: “Dù việc giữ gìn và phát huy nghề còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu ra và thu nhập từ sản phẩm gốm chưa nhiều, nhưng huyện và thị trấn vẫn luôn nỗ lực vận động, tạo điều kiện cho bà con, giữ nghề và từng bước đưa gốm đất Phù Mỹ phát triển lên một bước mới!”.
ĐẠT THÀNH NHÂN