Giữ hồn thổ cẩmLàng Gà có khoảng 300 hộ là người K’Ho, Chill (thuộc nhóm dân tộc Cơ-ho) sinh sống. Đối với người dân nơi đây, nghề dệt thổ cẩm là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống và được truyền từ đời này sang đời khác.
Điều dễ dàng nhìn thấy khi đến ngôi làng này là, nhiều gian hàng thổ cẩm được bày bán 2 bên đường, trong các gian hàng là những nghệ nhân đang miệt mài bên khung dệt.
Dạo một vòng quanh làng, hỏi thăm các cụ già nhất làng cũng không ai biết được nghề này có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, phụ nữ trong làng ai cũng biết tự dệt cho mình những tấm váy, tấm áo với nhiều hoa văn, họa tiết độc đáo và họ xem đó là của hồi môn khi dựng vợ, gả chồng.
Với người dân ở đây, một người phụ nữ được tôn kính, được nhiều chàng trai để ý phải là người biết hát hay, múa giỏi và đặc biệt là phải biết dệt những tấm thổ cẩm đẹp.
Theo già làng Bờ Rơi, ngày xưa, dệt thổ cẩm rất quan trọng, người dân xem đó là “báu vật” của cha ông để lại phải được gìn giữ và truyền dạy từ đời này sang đời khác.
Tuy nhiên, có một thời gian, do nhiều yếu tố tác động, việc “giữ lửa” cho nghề thổ cẩm truyền thống không được xem trọng, có nguy cơ mai một.
Cũng may là một vài năm gần đây, khi du lịch phát triển, vải thổ cẩm là mặt hàng lưu niệm được du khách ưa thích, đặc biệt là du khách nước ngoài. Vì thế, nghề dệt thổ cẩm của làng có điều kiện tốt để phát triển, các cấp ngành cũng có sự quan tâm và đầu tư để nghề dệt hồi sinh.
Chị Ka Dong, một thợ dệt trẻ tuổi của làng cho biết: Nếu trước đây, thổ cẩm thường được sử dụng với mục đích tặng, biếu, làm của hồi môn, trao đổi qua lại theo hình thức “hàng đổi hàng”, nay đã có nhiều người mua, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Mừng hơn nữa là có đồng vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất nên đồng bào mình đã quay lại làm nghề dệt thổ cẩm.
Hằng năm Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch Lâm Đồng phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại chính ngôi làng này, đồng thời mở tua đưa du khách về đây thăm quan.
Từ đó, các mặt hàng thổ cẩm sẽ được bạn bè du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, góp phần gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân.
Điểm dừng chân không thể bỏ quaLàng Gà nằm trên cung đường du lịch nối từ Quốc lộ 20 (Đức Trọng) vào trung tâm TP. Đà Lạt nên có rất nhiều thuận lợi thu hút khách du lịch. Đến làng Gà trong một buổi sáng chớm Xuân, khi sương mù còn bảng lảng trên những cành thông nhưng chúng tôi đã thấy có rất đông du khách đến thăm quan, mua sắm các mặt hàng thổ cẩm.
Anh Hoàng Xuân, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho hay, anh đến Đà Lạt nhiều lần, lần nào cũng dừng chân ở làng Gà.
“Những tấm thổ cẩm nơi đây rất đẹp mắt và cuốn hút. Ấn tượng nhất là tận mắt nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của các thiếu nữ dân tộc thiểu số lướt trên khung dệt và rồi sau đó là những tấm hoa văn thổ cẩm cứ thế nối dài... ”, anh Xuân chia sẻ.
Trong gian hàng nhỏ, chị Ka Đông 38 tuổi, một người dân tộc Cơ-ho, tay thoăn thoắt bên khung dệt, vui vẻ kể: “Trong ngôi làng này có khoảng 100 khung dệt thủ công, với khoảng hơn 100 hộ gia đình tham gia dệt thổ cẩm. Ở làng từ người già, thanh niên cho đến trẻ nhỏ đều biết dệt những sản phẩm như: xà rông, túi xách, băng đô, ba lô, khăn gió, áo truyền thống… để bán cho du khách. Đồng bào ở đây rất gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, bởi đây không chỉ là nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cần gìn giữ mà thổ cẩm đang là nguồn thu nhập chính, nuôi sống rất nhiều hộ gia đình”.
Ngoài “đặc sản” thổ cẩm, ngôi làng Đarahoa còn thu hút du khách bởi nơi đây có bức tượng gà 9 cựa cao 3,2m, nặng 8 tấn độc đáo do kiến trúc sư Lữ Trúc Phương thiết kế xây dựng năm 1978. Công trình được xây dựng với mục đích ban đầu là hồ chứa nước cho người dân nhưng sau này bà con được đầu tư đường ống dẫn nước về tận nhà nên không sử dụng nữa. Nhưng bức tượng Gà thì vẫn trường tồn cùng dân làng, trở thành biểu tượng và là nơi dân làng tụ hội sau những mùa vụ bội thu.
Cũng tại ngôi làng này chúng tôi được các già làng kể về những tập tục: Bắt chồng của người Cơ-ho, tục ăn mừng lúa mới, tục đâm trâu, hay câu chuyện tình yêu li kỳ say đắm của K’Tiên (người Cơ-ho) và nàng Hờ Bia (người Chill) họ đã vượt qua biết bao định kiến, cách trở để được yêu nhau và cuối cùng chết bên nhau để chứng minh tình yêu bất tử… Những câu chuyện dường như tạo nên sức hút, sức lôi cuốn đối với du khách mỗi khi tới nơi này.
ĐẠT THÀNH NHÂN