Dũng cảm trong thời chiếnÔng Pi Hà Thịnh, một trong những Cựu chiến binh một thời ở A Xây tự hào: Những năm tháng trong kháng chiến hay trong thời bình thì người A Xây đều kiên cường cả. Làng A Xây là nơi sinh sống của đồng bào Raglai và một phần nhỏ dân tộc Tày. Người dân A Xây nhiều đời nay vẫn tự hào gọi làng mình bằng một cái tên khác: Làng Bác Hồ.
Nhắc lại mốc ra đời tên gọi này, ông Cao Dáng, nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Nam tự hào kể: Năm 1973, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, A Xây trở thành nơi che chở và nuôi giấu cán bộ. Biết được điều này, địch liên tục càn quét A Xây. Lúc đó Đội trưởng du kích A Xây là A Ma Xanh nói với đồng bào: “Lời của Bác là sức mạnh, là lời của non sông, phải ghi nhớ và thực hiện”. Nói xong, Ma Xanh đứng trước ảnh Bác thề là sẽ đánh địch đến cùng. Ông đã dẫn Đội Du kích đi mai phục địch suốt 7 ngày đêm và sau đó đã bắn rơi máy bay Mỹ”. Từ đó, người dân trong làng đều tự coi mình là con cháu Bác Hồ, làng mình là làng Bác Hồ.
Nói thêm về quá khứ hào hùng của làng mình, già làng Pi Năng Thiên bồi hồi kể: “Hình tượng Bác đã trở thành sự linh thiêng đến kỳ lạ với người dân A Xây. Mỗi lần gặp hiểm nguy, khó khăn, chúng tôi lại gượng dậy vượt qua để xứng đáng với mong đợi của Bác. Vì vậy, trong kháng chiến, Đội Du kích A Xây bắn hạ được 7 máy bay Mỹ, tiêu diệt hàng trăm tên địch”.
Thật xúc động khi đi vào bất cứ nhà nào ở A Xây, tôi cũng thấy họ treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất, phía dưới là dòng chữ trích từ thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”.
Quyết vươn lên trong thời bình
Già làng Pi Năng Chung đã bước qua 82 mùa rẫy tâm sự: “Mới ngày nào, cái nghèo, cái đói cứ bám A Xây dai dẳng, nay nhiều nhà đã có của ăn của để, có phương tiện nghe nhìn, đi lại. Cả cánh đồng mía xanh bạt ngàn này trước đây đều là sỏi đá. Ơn Đảng, Bác Hồ, làng A Xây bây giờ còn có hàng trăm con bò, trâu, hàng ngàn con lợn. Người Raglai ở mảnh đất này còn ao ước cho nhiều buôn làng khác cũng đầm ấm như thế ”.
Theo ông Trần Minh, Chủ tịch UBND xã Khánh Nam thì, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng phòng bệnh ở A Xây đạt 100%, tỷ suất sinh giảm còn 9%, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai đạt gần 100%, người dân đã bỏ hẳn tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi đạt 100%; thanh niên không còn uống rượu và quậy phá trong những ngày lễ như trước mà thường xuyên đến Nhà Truyền thống của làng để sinh hoạt, để hát những ca khúc truyền thống.
Một trong những người Kinh yêu mảnh đất Khánh Nam như chính quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình là ông Nguyễn Văn Tài. Ông Tài tâm sự: “Bao nhiêu năm làm cán bộ Mặt trận, tôi nghiệm ra rằng, cái bụng của đồng bào A Xây tốt và chăm chỉ lắm nên làm cán bộ phải biết khơi dậy điều đó”.
Như để minh chứng cho lời nói của mình, rẽ băng qua cánh đồng khoai mỳ cao sản, ông Tài đưa tôi đến nhà chị Phùng Thị Mèn. Chị Mèn cho biết: “Ở đây chúng tôi luôn nghĩ không chịu khó làm ăn để thoát nghèo là có tội với Bác Hồ. Không riêng gia đình tôi, nhiều gia đình khác ở A Xây đã có cơ ngơi tiền tỷ rồi. Nhà tôi năm nào cũng có thu nhập vài trăm triệu đồng nhờ mô hình VAC”.
Hình tượng Bác đã trở thành sự linh thiêng đến kỳ lạ với người dân A Xây. Mỗi lần gặp hiểm nguy, khó khăn, chúng tôi lại gượng dậy vượt qua để xứng đáng với mong đợi của Bác. Già làng Pi Năng Thiên
ĐÔNG HƯNG