Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm thuê trên mảnh đất của mình

PV - 18:14, 20/03/2018

Đất đai là tư liệu sản xuất chính của phần lớn đồng bào DTTS. Thế nhưng, hàng nghìn hộ dân đã cho người khác thuê đất của mình, rồi lại đi làm thuê, khiến cuộc sống luôn trong tình trạng bấp bênh, nghèo đói bủa vây.

Cho thuê đất để rồi phải làm thuê trên đất của mình đang là tình trạng đáng báo động ở Gia Lai. (Ảnh tư liệu) Cho thuê đất để rồi phải làm thuê trên đất của mình đang là tình trạng đáng báo động ở Gia Lai.(Ảnh tư liệu)

 

Cho thuê đất tràn lan

Đang có đất sản xuất ổn định, nhưng vì thiếu tiền sinh hoạt hằng ngày nên nhiều hộ DTTS đã cho người khác thuê đất của mình. Đáng chú ý, không ít diện tích đất canh tác được giao theo diện cấp đất cho hộ DTTS không có đất sản xuất cũng bị cho thuê, hoặc chuyển nhượng trái quy định.

Gia Lai là một tỉnh có tình trạng cho thuê đất sản xuất đáng báo động. Theo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, tính đến cuối 2017, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ đồng bào DTTS cho thuê gần 1.900ha đất sản xuất.

Chư Đăng Ya là một trong những xã có nhiều hộ DTTS cho thuê đất của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Theo thống kê, hiện toàn xã có 80 hộ DTTS thuộc diện nghèo cho thuê đất, với diện tích gần 26,5ha.

Cũng theo báo cáo, xã Chư Đang Ya có 29 hộ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với diện tích gần 35ha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thống kê hộ nghèo, còn số liệu thực tế lớn hơn nhiều.

Tính chung cả huyện Chư Pah hiện có gần 800 hộ đồng bào DTTS cho thuê và sang nhượng đất sản xuất trái phép. Trong đó có trên 400 hộ đồng bào DTTS đã chuyển nhượng trên 207ha đất và 392 hộ đồng bào DTTS cho thuê đất với diện tích trên 240ha, chu kỳ cho thuê từ 3 đến 35 năm, trung bình số tiền thuê từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/ha/năm.

Còn tại huyện Đăk Đoa, số lượng hộ DTTS cho thuê đất sản xuất cũng không ít. Theo báo cáo của UBND huyện, tính từ tháng 7/2014 đến 30/9/2017, toàn huyện có 412 hộ DTTS cho thuê đất sản xuất, với diện tích gần 264ha. Ngoài ra, cơ quan chức năng của huyện cũng đã thống kê được có khoảng 510 hộ, với diện tích hơn 255ha.

Nhiều hệ lụy

Việc hộ nghèo DTTS có đất sản xuất nhưng lại cho người khác thuê đã để lại rất nhiều hệ lụy. Nhãn tiền nhất là việc giải quyết đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS của chính quyền cơ sở gần như không có hồi kết. Tại xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), trong số 80 hộ cho thuê đất thì có khoảng 5 hộ không còn đất để sản xuất, nên họ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Ở huyện Đăk Đoa của tỉnh Gia Lai, theo thống kê, toàn huyện hiện còn 478 hộ DTTS thiếu đất sản xuất, với gần 255ha. Bà con cho người khác thuê đất, vì thiếu đất sản xuất nên cuối cùng lại làm thuê trên đất của mình; cái nghèo, cái đói vì thế cứ mãi đeo bám.

Có thể dẫn ra trường hợp vợ chồng anh Y Yơi (sinh năm 1968), ở làng Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh (Gia Lai) làm ví dụ. Năm 2006, anh Y Yơi đã đem 2ha đất của mình cho một người dân cùng huyện thuê 15 năm, chỉ với giá 30 triệu đồng. Từ đó tới nay, gia đình anh chỉ còn 3 sào đất lúa và 5 sào đất vườn để canh tác. Có 5 đứa con, vợ chồng anh phải chật vật lo cái ăn, cái mặc.

Chẳng còn cách nào khác, anh phải nhận làm thuê cho chính người mà anh đã cho thuê đất. Cái nghèo cứ thế đeo bám; cứ đến mùa giáp hạt, gia đình anh lại nằm trong diện được cấp gạo cứu đói; cả 5 đứa con thì đứa học cao nhất cũng chỉ đến lớp 7 rồi nghỉ.

Việc cho thuê đất không chỉ làm cho cuộc sống của bà con luẩn quẩn trong nghèo đói mà còn làm phát sinh những mâu thuẫn pháp lý rất phức tạp. Hợp đồng thuê đất thường chỉ là những giao dịch miệng, “sang” hơn nữa là mảnh giấy viết tay nên khi xảy ra tranh chấp, phần thua thiệt cuối cùng vẫn là người cho thuê đất.

Như trường hợp của ông Siu An, ở làng Kó, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh (Gia Lai). Năm 2002, ông cho một người dân cùng huyện thuê 5ha, thời hạn 10 năm. Theo thỏa thuận trong mảnh giấy viết tay giữa hai bên thì đến năm 2012, bên thuê phải trả lại đất cho ông. Nhưng Siu An lại quên mất; đến khi nhớ lại, đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất ông cho thuê đã bị người thuê đất làm giấy tờ đứng tên người đó. Rất may sau đó, nhờ sự can thiệp của ngành chức năng huyện Chư Pah, đất đã được trả về cho Siu An.

Thực tế, việc cho thuê đất để rồi không có đất sản xuất là một trong những nguyên nhân chính khiến các địa phương vùng đồng bào DTTS ở Gai Lai rất gian nan trong thực hiện giảm nghèo. Nguyên nhân được xác định là do sự thiếu hụt kinh tế đã khiến nhiều hộ DTTS “nhắm mắt làm liều” đem tư liệu sản xuất của mình cho người khác thuê canh tác.

Chính việc quản lý đất đai lỏng lẻo, nếu không muốn nói là “quan liêu” đã khiến cho tình trạng này diễn ra trên diện rộng, kéo dài trong nhiều năm liền.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.