Theo ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Giám đốc Chi nhánh tỉnh Lai Châu, nguồn vốn từ tín dụng chính sách triển khai trong những năm qua, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn; giải quyết những vấn đề dân sinh thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào DTTS, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, từng bước cải thiện nâng dần chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, đã tác động đến nhận thức, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý vốn của đồng bào để dần vươn lên thoát nghèo.
Mường Tè là huyện biên giới khó khăn nhất tỉnh Lai Châu, sau 16 năm triển khai thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã có hơn 27.595 lượt hộ được vay vốn; nguồn vốn cho vay đã giúp cho 4.465 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết tạo việc làm cho 6.732 lao động; giúp 1.723 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp 1.227 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở; xây dựng 1.748 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…
Hộ ông Lò Y Van là tấm gương nỗ lực vươn lên làm kinh tế thoát nghèo ở bản người Mảng thuộc bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè. Ông Y Van đã vay 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách xã hội để mua trâu, nhờ chăm chỉ làm ăn, phát triển đàn trâu nên kinh tế gia đình dần được cải thiện và là hộ thoát nghèo đầu tiên trong bản.
Ông Lò Y Van chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo, không biết làm gì để phát triển kinh tế. Năm 2.000, Nhà nước cho vay vốn 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách xã hội gia đình đã mua một con trâu để cày ruộng. Sau đó tiếp tục phát triển đàn trâu và chăn nuôi thêm lợn, gà, hiện nay đàn gia súc, gia cầm có gần 200 con”.
Tương tự, hộ ông Điêu Văn Sương, dân tộc Thái ở bản tái định cư Mường Mô 1, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cũng sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi này. Ông Sương phấn khởi cho biết: “Khi mới chuyển lên bản tái định cư, hoàn cảnh gia đình vất vả, chưa có nơi chăn nuôi, sản xuất. Bây giờ nhờ vốn của Ngân hàng Chính sách cho vay, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh tế cũng dần ổn định, 4 đứa con đều được học hành tử tế”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An, những năm qua, tỉnh rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 44,87% năm 2007 xuống còn 29,68% năm 2017.
Hiện nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đang thực hiện cho vay 13 chương trình với 190.432 lượt khách hàng vay vốn; tổng doanh số cho vay 4.106.318 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 1.803.912 triệu đồng với 48.874 hộ vay; trong đó số hộ dân tộc thiểu số đang vay trong các chương trình tín dụng còn dư nợ là 44.977 (chiếm 92% số hộ vay vốn).
THANH HƯƠNG - VIỆT HOÀNG