Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỹ thuật “cấy đứng”: Đã nhàn, năng suất lại cao

PV - 14:11, 24/09/2018

Đến huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vào những ngày bắt đầu vào vụ cấy mới, chúng tôi quan sát thấy nhiều người phụ nữ đứng cấy rất ấn tượng. Thế nhưng, để thay đổi thói quen từ cấy truyền thống sang cấy đứng (cấy mạ khay) là cả một quá trình dài của người nông dân nơi đây.

kỹ thuật cấy đứng Hiện nay, hầu như tất cả người dân huyện Yên Thế đã áp dụng phương pháp cấy mạ khay.

Người tiên phong trong kỹ thuật gieo mạ khay ở huyện Yên Thế, là chị Lục Thị Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Lạc. Chị Trang chia sẻ, cũng như nhiều làng quê ở Bắc bộ, người dân xã Đồng Lạc trước đây có thói quen căng dây cấy lúa. Theo đó, người nông dân phải khom người cấy theo lề lối và lấy sự thẳng hàng làm chuẩn. Kỹ thuật này đã ăn sâu bám rễ từ nhiều đời nay.

Tuy nhiên cách đây 5 năm, khi tham quan học tập về kỹ thuật gieo mạ khay tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, chị Trang thấy kỹ thuật này không cần phải đứng lom khom mà lúa lên vẫn rất tốt.

Trở lại địa phương, chị Trang vận động chị em thay đổi thói quen cũ chuyển sang cấy mạ khay. Nhưng chị chỉ nhận được sự im lặng, bởi một thói quen đã tồn tại quá lâu đời, đâu dễ gì từ bỏ được.

Tuy nhiên, chị Trang nghĩ để mọi người thay đổi, mình phải làm trước. Chị đã vận động chính gia đình mình bỏ toàn bộ kỹ thuật cấy truyền thống chuyển sang cấy mạ khay.

Để thực hiện kỹ thuật này, chị Trang cặm cụi bốc bùn ao lên bờ, dùng tay bóp nhuyễn bùn, đem rải đều trên mặt luống, rồi đặt khay mạ xuống. Sau đó, chị đem khay mạ ra đồng để ném khắp mặt ruộng. Tất cả các công đoạn này, chị đều mời chị em trong Hội Phụ nữ tới tham quan.

Ban đầu mọi người bàn tán: “Trông ruộng lúa nhà chị Trang cứ như cò vầy, gà bới ấy. Cây mạ đổ ngả đổ nghiêng, lơ phơ thế kia thì làm sao mà được ăn". Nhưng chỉ sau một tuần, ruộng lúa đã khác hẳn. Cây lúa bén rễ nhanh, đứng ngay ngắn. Đến lúc thu hoạch mới thật sự ngạc nhiên. Lượm lúa toàn bông cái. Bông vừa dài, vừa đều chằn chặn, hạt mẩy, tuốt lúa cũng nhanh hơn. Đến vụ chiêm năm sau, cả thôn đã có gần hai chục hộ làm theo kỹ thuật cấy mạ khay do chị Trang hướng dẫn với diện tích gần chục mẫu. Hiện nay, 100 % diện tích lúa ruộng xã Đồng Lạc được bà con áp dụng cách làm mới này.

Nói về phương pháp cấy mạ khay, chị Vy Thị Yên xã Đồng Lạc chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình này, tôi thấy năng suất lao động tăng cao hơn hẳn phương pháp truyền thống. Chỉ cần một buổi sáng là tôi có thể cấy được hơn 2 sào ruộng. Trong khi đó, năng suất thu hoạch cũng tăng gấp rưỡi. Đây là một kỹ thuật rất hay, tôi mong mọi người cũng có thể áp dụng”.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế cho biết, hiện nay, huyện gieo trồng hơn 6,5 ngàn ha lúa. Trong đó sản lượng bình quân đạt gần 53 tạ/ha. Tăng hơn 3 tạ/ha so với thời điểm năm 2013. Bên cạnh tăng cường giống, phân bón thì, phương pháp thay đổi kỹ thuật gieo mạ khay cũng góp phần nâng cao năng suất.

Ông nhận xét, so với cách gieo mạ truyền thống gieo mạ khay có ưu điểm là giảm ngày công cấy lúa, rút ngắn thời gian thu hoạch khoảng 7 ngày. Cây lúa cũng hạn chế sâu bệnh, kỹ thuật này cũng giúp người dân tiết kiệm thóc giống (mỗi sào chỉ hết 1,5 đến 1,8kg). Hiện nay, toàn huyện Yên Thế đã có gần 90 % người dân áp dụng cách làm mới này.

Để áp dụng kỹ thuật cấy mạ khay một cách hiệu quả nhất, ông Hoàng Văn Thái khuyến cáo người dân nên dùng từ 25-28 khay (kích thước 40x60cm, khoảng 540 lỗ/khay), từ 0,6-1,0kg thóc giống là đủ cho 360m2 ruộng cấy. Hạt giống được ngâm, ủ bình thường đến nứt nanh hoặc mống mạ có thể dài bằng 1/4-1/3 hạt thóc.

Đối với nền đất ruộng khô cứng người dân cần chọn nơi bằng phẳng, thoáng nắng dùng bùn loãng đổ lên mặt, cán bùn mỏng 1-2cm. Xếp các khay thành luống có kích thước 0,9-1,2m, các mép khay trồng lên nhau. Tiếp tục lấy bùn loãng đổ đầy vào các lỗ, sau đó dùng tay hoặc thước thẳng gạt trên mặt khay sao cho hết bùn bám trên mặt. Chia mống mạ và gieo đều vào các lỗ khay, sau khi gieo xong dùng bẹ chuối tươi hoặc bàn tay, cũng có thể lấy chổi sương quét hay vỗ lên mặt khay sao cho mống mạ được chìm vào các lỗ.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.