Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, để đảm bảo cân đối ngân sách, an toàn tài chính quốc gia, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, việc sử dụng dự phòng chung phải đảm bảo trong phạm vi mức trần đầu tư công, giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, xây dựng Nghị quyết theo hướng chỉ đạo hoàn thiện nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn dự phòng chung, trong đó tập trung bố trí vốn cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đang thực hiện dở dang để đảm bảo tiến độ, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chú ý bố trí vốn cho các dự án cấp bách mới phát sinh, trong đó có đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với 434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89,48% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài. Điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng).
Quốc hội cũng quyết định bổ sung danh mục dự án và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay.
Bố trí 1.766,03 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để phân bổ theo quy định và bổ sung 648,698 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các địa phương có huyện thoát nghèo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…
Cũng trong ngày 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
THANH HUYỀN