Ngày 19/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đồng thời biểu quyết thông qua một số dự án Luật.
Thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi của Luật với tinh thần để tiếp tục thể chế hóa nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; khắc phục những hạn chế bất cập của Luật hiện hành.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung của dự án luật còn nhiều điểm cần phải giải trình thêm, còn chưa rõ về trình tự, thủ tục, cách thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của phạm nhân. Nhiều đại biểu đề nghị, một số vấn đề mới như thi hành án với pháp nhân thương mại, thực hiện các biện pháp tư pháp, tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án với một số quyền mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo… cần phải quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi khi tổ chức thực hiện.
Về thời gian thông qua Luật, đa số ý kiến tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đề nghị thông qua Luật theo quy trình 03 kỳ họp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp, đáp ứng yêu cầu triển khai các quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc lùi thời gian thông qua dự án Luật này vì Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực thi hành, trường hợp có pháp nhân thương mại bị xét xử, sẽ khó bảo đảm hiệu lực của bản án và việc thi hành quy định tha tù trước thời hạn sẽ thực hiện như thế nào?.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, nếu dự án Luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ban soạn thảo đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật này trong 2 kỳ họp theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Cũng trong ngày 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
THANH HUYỀN