Tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ rất phấn khởi trước thành công trong phát triển kinh tế - xã hội và bước phát triển ngoạn mục của đất nước và cho rằng, Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ: Cử tri và cá nhân ông rất phấn khởi trước thành công lớn của đất nước. Năm 2018 có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 chỉ tiêu, đạt 4 chỉ tiêu; tăng trưởng GDP đạt ở mức cao… cho thấy, sự tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp với Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp nước ta đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện. Kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm nức lòng nhân dân cả nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…
Đối với lĩnh vực giáo dục- đào tạo, một số đại biểu cho biết, cử tri thất vọng với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục. Với kỳ thi hai trong một xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng. Lĩnh vực y tế trong những năm qua có những tiến bộ rất đáng ghi nhận, nhưng dịch bệnh vẫn còn nan giải, chưa được giải quyết triệt để...
Về việc thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết của Quốc hội là chủ trương chính sách đúng đắn, phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế của bộ máy được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và rất lúng túng. Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy còn nặng tính cơ học. Chính phủ cần có sự chỉ đạo để thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc…
Quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bào DTTS, miền núi
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, các đại biểu đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách; cho rằng các hoạt động của Chính phủ đã bám sát các nội dung Quốc hội đề ra và đạt được kết quả khá toàn diện.
Kiến nghị các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần quan tâm, cân đối, bố trí đủ nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng DTTS và miền núi. Cùng với đó, tổng kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi để có cơ sở xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua.
Các đại biểu cũng đề nghị, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là rất cần thiết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi để khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược. Cần quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS, miền núi; công tác bố trí, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS…
THANH HUYỀN