Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 9 chương và 61 điều, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ trình Quốc hội xem xét thông qua do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày, cho thấy: ngày 01/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Hầu hết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo-Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội. Bổ sung một số vấn đề về nguyên tắc trong hoạt động đo đạc, bản đồ về việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí. Bổ sung nội dung quy định về chỉnh lý biến động bản đồ hành chính các cấp; quy định về phạm vi hoạt động của tổ chức nước ngoài trong giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; quy định rõ những vấn đề liên quan đến sát hạch khi cấp mới, cấp đổi, cấp lại và gia hạn chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ…
Tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ với 451/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,61% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Về Luật Thể dục, Thể thao (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, cho thấy: ngày 31/5/2018, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao. Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Luật Thể dục, Thể thao (sửa đổi), bổ sung nhiều quy định về thể dục, thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; đặt cược thể thao và một số nội dung khác.
Kết quả biểu quyết tại Hội trường cho thấy: có 460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, chiếm 94,46%; 457 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 93,84 %; 01 đại biểu Quốc hội không tán thành, chiếm 0,21%; 02 đại biểu Quốc hội không biểu quyết, chiếm 0,41%. Luật Thể dục, Thể thao (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
THANH HUYỀN