Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Phát triển vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

PV - 14:24, 16/07/2018

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 2 tháng 3 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Theo dự thảo của Đề án này, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng dược liệu tỉnh thành vùng trọng điểm dược liệu quốc gia.

vùng dược liệu Đảng sâm được trồng ở huyện Kon Plông.

Tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp. Trong rừng tự nhiên có nhiều loài cây dược liệu. Từ xưa đến nay, người dân thường khai thác dược liệu làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Ngoài các loài cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên, khí hậu, đất đai ở tỉnh còn thích nghi với nhiều loài cây dược liệu có nguồn gốc ở nơi khác có thể đưa vào trồng.

Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế tỉnh, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, trong đó có 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường. Bằng các chủ trương, chính sách phát triển dược liệu, tính đến nay, người dân và các doanh nghiệp phát triển khoảng trên 1.000ha dược liệu, trong đó nhiều nhất là sâm Ngọc Linh 397,4ha, ý dĩ 392ha, nghệ vàng 64,9ha...

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nguồn dược liệu tự nhiên có giá trị kinh tế bị khai thác thiếu kiểm soát và không khoa học. Việc sử dụng dược liệu theo kinh nghiệm truyền miệng, mua bán dược liệu tự phát, bán đại trà cho thương lái ngoài tỉnh; việc thu hái không đúng thời vụ, sử dụng không đúng bộ phận dùng... dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả.

Trước tình hình trên, thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng dự thảo Đề án đầu tư Phát triển và Chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu quản lý, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên; bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, xuất khẩu…, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển cây dược liệu. Dự kiến phấn đấu đến năm 2030, việc phát triển vùng dược liệu ở tỉnh Kon Tum thành vùng trọng điểm dược liệu quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu này, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh tập trung bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc quốc gia như sâm Ngọc Linh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông; khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn; đầu tư phát triển nâng diện tích lên 2.000ha ở vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu có lợi thế so sánh của tỉnh gồm: sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu.

Trong giai đoạn này, tỉnh đặt ra mục tiêu hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại Kon Plông; thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quy mô từ nhỏ đến lớn để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu theo chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu phát triển vùng dược liệu tỉnh thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia với diện tích 25.000ha các loài dược liệu.

Hiện tại, tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng vùng trồng và hình thành các cụm công nghiệp chế biến dược liệu công nghệ cao trên địa bàn các huyện, thành phố theo quy hoạch phục vụ sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm dược liệu và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; phấn đấu mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.