Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, tổng diện tích lúa vụ mùa của toàn huyện vào khoảng 3.100ha. Đây là vụ sản xuất chính của người dân huyện Kon Plông bởi đồng bào DTTS trên địa bàn hầu như chỉ cấy một vụ lúa trong năm. Chính vì vậy, mọi phần việc từ làm đất, chọn giống, đến gieo trồng... được cả ngành Nông nghiệp và người dân chú trọng.
Ông Võ Đình Viết, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Do đặc điểm khí hậu của huyện Kon Plông khá lạnh nên khó trồng được 2 vụ lúa. Thường là tháng 3 người dân sẽ tiến hành gieo mạ và tháng 4 sẽ cấy lúa để đảm bảo đến khi lúa trổ bông sẽ tránh được không khí lạnh hoặc nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ làm ảnh hưởng đến năng suất.
Được biết, để đảm bảo năng suất lúa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân tích cực đưa các giống lúa mới có khả năng chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt vào canh tác như: IR 64, DR2; Xi 23, IR 56279, VND 95-20, ĐV 108...
Trên địa bàn huyện Kon Plong, trước đây, người dân chủ yếu làm ruộng bằng phương pháp thủ công đó là dùng cuốc, cào làm đất; có nơi dùng trâu dẫm ruộng. Nhưng bây giờ, đồng bào ở đây đã biết sử dụng các loại máy cày nhỏ, dùng trâu... Nhờ thế, việc làm ruộng đã nhàn hơn, tốn ít công hơn mà hiệu quả lại cao hơn so với trước đây.
Vài năm trở lại đây, ở một số địa phương như Đăk Long, Măng Cành, Măng Bút, Pờ Ê, người dân cũng đã từng bước làm quen với việc sạ lúa. Đây có thể coi là cuộc cách mạng trên đồng ruộng và đang được ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích, tích cực hướng dẫn người dân về mặt kỹ thuật để tiếp tục nhân rộng.
THIÊN HƯƠNG