Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kiên Giang: Nông dân lao đao vì nước lũ về sớm

PV - 14:30, 28/08/2018

Nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên rất nhanh, trong khi nhiều nơi cây lúa vẫn chưa đến thời điểm thu hoạch, nhiều địa phương chưa sẵn sàng cho lũ tràn đồng. Để bảo vệ lúa Hè-Thu và Thu-Đông 2018 không bị nước lũ nhấn chìm, nông dân Kiên Giang phải tập trung gia cố đê bao, bơm rút nước ra.

Các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang), nơi được xem là rốn lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên. Hiện nay, hàng chục ngàn ha lúa Hè-Thu của địa phương này mới đang giai đoạn trổ, chín. Còn lúa Thu-Đông mới đang giai đoạn đẻ nhánh. Trong khi đó, dòng nước đỏ nặng phù sa đang cuồn cuộn đổ về, nước sông ngày một dâng cao khiến nông dân bất an.

Nông dân xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất bơm nước chống lũ. Nông dân xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất bơm nước chống lũ.

Mấy năm liền mùa nước kém nên nông dân luôn chờ đón lũ về. Nhưng lũ về sớm và tăng nhanh hơn dự báo đang khiến nông dân vất vả chống đỡ. Tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thái Hưng (xã Mỹ Thái, Hòn Đất), 83,8ha lúa HT đang trổ đòng, phải gần 1 tháng nữa mới cho thu hoạch. Dù toàn bộ diện tích đều nằm trong khu đê bao khép kín, kết hợp với đường giao thông nông thôn đã đổ bê tông khá chắc chắn nhưng xã viên ai cũng lo lắng.

Giám đốc HTX Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Hiện mực nước sông và trong ruộng đang chênh rất cao. Nếu xả vào thì chỗ cao cũng ngang đầu gối, còn chỗ trũng thấp phải tới lưng quần. Vì vậy, chúng tôi đang cho vận hành 5 trạm bơm bằng điện, liên tục rút nước ra. Vụ này có cứu được lúa thì chắc chắn chi phí sẽ tăng cao, nhất là tiền công bơm nước ra.

Đối với những hộ làm cá thể, đê bao không chắc chắn chi phí còn cao hơn. Ông Trần Văn Tấn, làm 3ha lúa ở xã Nam Thái Sơn buồn rầu: “Bao nhiêu vốn liếng, công sức đã đổ hết vào đồng ruộng rồi, giờ có tốn thêm cũng phải chi ra. Đợt triều cường đầu tháng 7, cộng với mưa dồn dập, tôi phải tốn gần 500 lít dầu để bơm rút nước ra. Rồi lại tốn thêm hơn chục triệu đồng mướn xe cuốc gia cố lại đê bao khi thấy nước cứ ngày một tăng. Kiểu này không biết có đủ sức giữ lúa cho tới ngày thu hoạch không nữa”.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, nước lũ năm nay lên nhanh và cao hơn dự báo ban đầu. Khu vực đầu nguồn của Kiên Giang (tại Châu Đốc, An Giang), mực nước đang tăng từ 8-10cm/ngày, cao điểm có ngày tăng tới 15cm. Khoảng 5 ngày nay, nước lũ tăng chậm hoặc có giảm nhẹ. Dự báo đến cuối tháng 8, tại khu vực đầu nguồn Châu Đốc, mực nước cao nhất thể đạt 3,6m, ông Trung cảnh báo.

Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang đã cho mở tất cả các cống trên tuyến đê biển Tây, hệ thống cống ven sông Cái Bé, hệ thống đê bao Ô Môn-Xà No, đê bao vùng đệm U Minh Thượng để thoát lũ và tiêu úng do mưa trên diện rộng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng lũ tập trung rà soát, gia cố lại đê bao, tăng cường thêm máy bơm rút nước ra để bảo vệ sản xuất.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các địa phương thuộc hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu khẩn trương thực hiện đồng bộ phương án, giải pháp phòng, chống lũ, bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè-Thu, Thu- Đông và những loại cây trồng, vật nuôi khác trong vùng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

THẾ HẠNH

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.