Mục tiêu của Đề án là góp phần thực hiện tốt công tác văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer, phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện của tỉnh Kiên Giang. Đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, một số loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer bị mất dần theo thời gian; khuyến khích phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, tác giả Khmer kế thừa. Nâng cao trình độ quản lý của cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động của Đề án; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang: Nghệ thuật múa; nghệ thuật sân khấu Dù kê; nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống; nghệ thuật âm nhạc truyền thống; nghệ thuật sân khấu Rô băm; nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer; nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá…
Đề án cũng đặt ra mục tiêu thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành quản lý, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Tăng cường nguồn lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, thông qua việc tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, kết hợp vận động xã hội hóa một cách hiệu quả.