Cụ thể, ĐBSCL có 3 tỉnh trồng vú sữa gồm Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ với khoảng 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, trong số này chỉ có 3 doanh nghiệp được cơ quan chức năng Mỹ cấp mã code. Vì thế, đã xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp mua đi bán lại mã code với nhau.
Không chỉ vậy, do thiếu nguồn nguyên liệu, một số doanh nghiệp đã pha trộn sản phẩm vú sữa không đủ tiêu chuẩn vào các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Với cách làm gian dối này, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đang tự hủy hoại thị trường tiềm năng của chính mình mà còn làm ảnh hưởng tai hại đến những người nông dân trồng vú sữa xuất khẩu.
Tình trạng này nếu không nhanh chóng ngăn chặn sẽ để lại hậu quả rất lớn. Bởi lẽ, Mỹ là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Do đó, chỉ cần bất kỳ sự gian dối nào về chất lượng bị phát hiện, sản phẩm sẽ phải đối diện với án phạt rất nặng nề, thậm chí là bị cấm nhập khẩu vĩnh viễn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đó, để thị trường Mỹ chấp nhận nhập khẩu trái vú sữa Lò Rèn, các ngành chức năng của nước ta đã phải mất gần 10 năm trời ròng rã đàm phán, thương thảo với nước bạn. Nhắc lại như thế để thấy rằng, có được thành quả ban đầu ấy là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả của không biết bao nhiêu con người.
“Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, câu thành ngữ trên có lẽ không người Việt Nam nào là không biết và không hiểu. Vì thế, hơn ai hết, những doanh nghiệp khi tham gia sân chơi lớn càng phải hiểu sâu sắc về điều đó.
Vậy nên, trong kinh doanh, chữ tín luôn phải được đặt lên hàng đầu, mọi sự gian dối, cẩu thả đều sẽ phải trả giá bằng thất bại. Điều đáng buồn, đáng lên án là khi vẫn còn không ít doanh nghiệp làm ăn kiểu ăn xổi, chộp giật như trên.
Trước thực trạng này, được biết, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, điều phối hoạt động sản xuất, xuất khẩu trái vú sữa của 3 tỉnh có trồng vú sữa ở ĐBSCL. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải gắn với vùng nguyên liệu để kiểm soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn do nhà nhập khẩu đưa ra.
Đây là động thái cần thiết để siết chặt sản phẩm vú sữa xuất khẩu. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần phải có hành động quyết liệt hơn nữa như xử phạt thật nặng, thậm chí tước giấy phép tham gia xuất khẩu của những doanh nghiệp gian dối, có như vậy mới đủ sức răn đe!
TRƯỜNG GIANG