Công trình có một không hai
Con đường dẫn vào khu nghỉ mát của già Mà Giá là con đường đất nhỏ, hai bên đường nhiều tảng đá lớn nằm lởm chởm. Ít ai biết rằng, nằm sâu trong rừng, bên dòng suối Lách lại là khu nghỉ mát có một không hai này. Tới cổng vào khu nghỉ mát, trước mắt chúng tôi là chòi canh thu vé và cây cầu tre nhỏ đơn sơ, giản dị bắc qua dòng suối. Già Mà Giá không quên đề tấm biển “Khu nghỉ mát suối Lách”.
Năm nay đã trên 80 tuổi, có tới 12 người con, 34 người cháu, nhưng già Mà Giá vẫn nhanh chân, nhanh mắt và thoăn thoắt từng bước đi. Già kể chuyện vẫn đầy hào sảng, có lúc trầm bổng về “công trình thế kỷ” của mình trong không gian của núi rừng, của tiếng suối chảy róc rách, hòa quyện cùng tiếng đàn đá.
Già Mà Giá từng tham gia bộ đội chống đế quốc Mỹ, rồi làm Chủ tịch UBND xã Giang Ly nhiều năm. Già Giá bảo, ngày làm Chủ tịch xã, năm nào đến mùa khô, bà con trong xã cũng chật vật vì thiếu nước trồng hoa màu. Thấy đầu nguồn suối Lách có nhiều nước, già cùng mấy cán bộ lên tìm cách kéo nước về ruộng cho dân. Nhà già đông con nên định cư ở khu rừng, bên dòng suối Lách, nhường chỗ bằng phẳng để bà con trồng lúa, trồng mì, trồng bắp.
Sau khi nghỉ hưu, già suốt ngày quanh quẩn với ruộng nương. Rồi nhiều người qua chơi với già, thấy dòng suối mát, rợp bóng cây rừng nên khuyên già làm du lịch. Hơn chục năm trước, già bắt tay vào làm công trình tự tạo, rộng 2ha này. Mỗi ngày, già cứ men theo từng nhánh suối, kè đá, ghép gỗ ở những chỗ bằng phẳng làm nơi nghỉ ngơi. Tích lũy từng ngày, khu suối của già cũng bắt đầu định hình. Từ năm 2004, già kêu gọi các con, cháu cùng chung tay chỉnh trang lại đường sá, dựng chòi, cải tạo cảnh quan, khu nghỉ mát hình thành từ đó.
Chỉ bằng đôi bàn tay khéo léo, sau hơn 10 năm, đến nay, già Mà Giá đã quy hoạch được không gian núi rừng xen kẽ với cảnh quan tự tạo dựng. Từ ngôi nhà sàn đầu tiên là nơi ở, đến nay, khu nghỉ mát của già Mà Giá đã có trên 30 chòi (sạp) lớn, nhỏ xuôi theo dòng suối Lách. Rồi đến những chiếc cầu treo bằng gỗ bắc qua dòng suối nhỏ, hay công trình dẫn nước phát điện, tất cả đều do già và các con cháu tự mò mẫm làm nên bằng mây, tre nứa, cây rừng tận dụng.
Làm du lịch theo cách riêng
Khi khu nghỉ mát được hình thành, già Mà Giá không thu tiền vé của mọi người đến thăm quan. Từ năm 2007, để có tiền tiếp tục tu sửa, già Mà Giá thu vé mỗi người 30 ngàn đồng. Số tiền thu được, ngoài trả lương cho người làm, già Mà Giá cũng dành để đầu tư mở rộng khu nghỉ mát.
Khi bước chân vào khu nghỉ mát của già, chúng tôi được sống trong một không gian trong lành, hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, với cây rừng, dòng suối hiếm thấy. Điều đặc biệt là không gian ấy luôn có tiếng đàn đá vang vọng núi rừng. Đây cũng là cách để già Mà Giá giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Theo già Mà Giá, từ xa xưa dân tộc Cơ-ho đã biết lợi dụng sức nước của dòng suối làm cho những hòn đá va đập vào nhau phát ra tiếng kêu, nhằm xua đuổi thú dữ, bảo vệ nương rẫy, mùa màng. Ngày nay, đàn đá vẫn được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè của dân tộc Cơ-ho.
Tuổi đã cao, mấy năm gần đây, già giao lại việc quản lý khu nghỉ mát cho chị Cà Thị Ny, cháu gái già Mà Giá. Hiện nay, lượng khách trung bình trong những ngày cao điểm có từ 70-80 người đến thăm quan khu nghỉ mát. Trừ chi phí, mỗi tháng thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng.
Không có dịch vụ ăn uống, lưu trú dài ngày, mà đơn giản chỉ là nơi khách đến để được hòa mình với thiên nhiên núi rừng, hòa mình vào dòng suối trong vắt, chiêm nghiệm không gian mang đậm bản sắc của dân tộc mình, đó là cách làm du lịch rất riêng của già Mà Giá. Một lần đến đây đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai.
THANH HUYỀN