Bài 2: Chàng thanh niên Mông truyền cảm hứng khởi nghiệp từ bản làng
" Phải biết đứng lên để thay đổi số phận”Tháng 5 vừa qua, trong Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng” do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, Giàng A Dạy là một trong 23 gương điển hình khởi nghiệp thành công được tôn vinh. Có một câu nói của Dạy làm tôi nhớ mãi, đó là “Đừng dễ dãi. Phải biết đứng lên để thay đổi số phận”.
Dạy kể, em sinh năm 1993 trong một gia đình nông dân nghèo bản Rừng Thông. Năm 2011, Giàng A Dạy thi đỗ vào Trường Đại học Tây Bắc. Là sinh viên năng nổ và học tốt, năm 2015, Giàng A Dạy được chọn là một trong hai sinh viên đi tu nghiệp sinh tại Israel. Đây là Chương trình học bổng mở nên Dạy phải thuyết phục mẹ vay mượn đủ số tiền 30 triệu đồng tiền vé máy bay để đi Israel.
Dạy tâm sự, “Từ nhỏ em luôn ấp ủ học tập để áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại trên mảnh đất khô cằn của quê hương. Khi đặt chân đến Israel, em thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng”.
Với Giàng A Dạy, 11 tháng học tập và làm việc trên đất Israel đã giúp em thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp. Ngoài thời gian thực hành tại trang trại và học lý thuyết, Dạy đã xin ông chủ một mảnh vườn rộng 100 m2 để tự tìm hiểu, thử nghiệm. Tháng 8 năm 2016, Giàng A Dạy về nước và thực hiện ước mơ xây dựng vườn ươm giống và trồng rau hữu cơ ở bản. “Em đã mạnh dạn bỏ gần 100 triệu đồng tiền tích cóp được trong thời gian đi tu nghiệp sinh để thực hiện ước mơ với mong muốn sẽ thay đổi diện mạo nông nghiệp ở bản nhỏ”.
Trở về bản, Dạy bắt tay vào làm vườn ươm rộng 100m2 với các giống rau quen thuộc và một vài giống nhập từ Israel và gần 3000m2 đất trồng các loại rau củ, quả. Dạy tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, nứa làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như tưới phun mưa trong khu vườn ươm. Dạy đã ươm cây giống trên giá thể hữu cơ, khác với phương pháp truyền thống là tra hạt xuống đất xong mới nhổ cây giống ra trồng.
Để khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, Dạy đã huy động bà con trong bản cùng giúp đào đường ống kéo nước từ trên đỉnh núi, dựng các bể chứa nước bằng tre, bạt và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Vào mùa khô, con suối phục vụ cả bản cạn nước, Giàng A Dạy đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng mua thêm một máy bơm đẩy xa, kéo đường điện từ nhà ra hồ tự nhiên nằm sâu trong núi lắp đặt máy bơm, rải đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt về tận khu vực canh tác gần nhà...
Niềm vui lớn nơi bản nhỏ
Trang trại rau của Giàng A Dạy hiện nay rộng khoảng 4.000m2. Do ứng dụng được công nghệ tưới nhỏ giọt, nên thu hoạch 3-4 vụ/năm. Vào mùa khô trang trại duy trì 2.000m2. Hiện tại, Dạy đang cung cấp rau sạch cho một số thành phố lớn với khoảng 1 tấn rau/tháng. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng Dạy cũng thu về hàng chục triệu đồng. “Cứ sáng sáng em ra vườn thu hoạch rau. Giao bán rau xong em lại gieo hạt mầm mới với cảm giác thích thú. Điều khiến em vui nhất là ngắm nhìn những vườn rau trải dài xanh mướt trên mảnh đất quê hương”.
Dạy vừa khoe, em đã làm xong các thủ tục thành lập Hợp tác xã trong tháng này (tháng 9/2018). Đó là niềm vui lớn của Dạy. Không dừng lại ở đấy, tận dụng đất đai rộng rãi. Dạy còn mở rộng trang trại sang chăn nuôi bò. Dạy bảo, “hiện nay, em đã mua được 5 con. Em đang tập trung nguồn vốn của bản thân và kêu gọi các nguồn hỗ trợ thành lập trang trại nuôi bò với khoảng 100 con”.
Theo dõi bước đường khởi nghiệp của Dạy, chúng tôi đặt trọn niềm tin nơi em. Bởi làm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, thời tiết, có lúc không tránh khỏi những rủi ro nhưng quan trọng sau mỗi thất bại em không lúc nào nản chí mà vẫn vững tâm bước đi trên đôi chân của mình.
Bởi vậy, trên mảnh đất cằn bản Rừng Thông, giờ đây ngày càng có nhiều mảnh vườn tươi tốt do chính Giàng A Dạy hướng dẫn cho bà con cách làm nông nghiệp sạch…
THANH HUYỀN