Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khoa học công nghệ với sự phát triển vùng DTTS, miền núi

PV - 11:47, 07/11/2018

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học là thực tiễn cấp bách, nhằm cung cấp luận cứ khoa học để giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến vùng DTTS và miền núi. Đây là cơ sở để đổi mới chính sách dân tộc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bài cuối: Cơ sở để đổi mới chính sách dân tộc

khoa học Người trồng quýt ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) có thu nhập cao nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. (Ảnh tư liệu)

Góp phần thay đổi diện mạo miền núi

Có thể khẳng định, vùng DTTS và miền núi đang từng bước thoát khỏi thế “ốc đảo” trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Ở khu vực này ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình ứng dụng KHCN, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân địa phương.

Có thể lấy tỉnh Cao Bằng là một ví dụ thành công về nghiên cứu KHCN gắn với các mô hình sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà. Đặc biệt, Cao Bằng đã triển khai nhiều dự án ứng dụng KHCN trong chăn nuôi, phát triển cây ăn quả, đem lại hiệu quả rất khả quan.

Đơn cử như đề tài “Phục tráng giống cam quýt Hòa An” và đề tài “Ứng dụng vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh”. Hai đề tài này được ứng dụng vào sản xuất hàng hóa, diện tích trồng giống quýt của đồng bào các dân tộc mở rộng đến trên 100ha tại huyện Trà Lĩnh với giá bán quýt quả hiện nay 25-30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 50.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều gia đình có thu nhập từ vài chục triệu đến 1 tỷ đồng.

Cũng như Cao Bằng, các địa phương miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tích cực nghiên cứu-ứng dụng-chuyển giao KHCN để giúp đồng bào các dân tộc tăng giá trị cây trồng, vật nuôi. Trên cùng một diện tích canh tác, nhờ áp dụng KHCN, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Như ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), nếu như năm 2010, một ha cam chỉ cho thu nhập khoảng 18 triệu đồng thì hiện nay một ha cam cho thu nhập trên 30 triệu đồng.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng, KHCN đã thực sự góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng DTTS và miền núi, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đến nay, hầu hết đồng bào DTTS đã biết sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác tiến bộ, góp phần làm tăng năng suất cây trồng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây; qua đó, đưa tốc độ tăng trưởng của nhiều vùng đạt trên 10%/năm; giảm 4-5% hộ nghèo/năm; tạo nên các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như cà phê, chè, mía, lúa, các loại cây ăn quả,… chất lượng cao.

Cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác dân tộc

Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, ngày càng có nhiều hộ DTTS có thu nhập cao từ chăn nuôi, trồng trọt là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có hoạt động KHCN. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2017, tại 61 tỉnh, thành phố có đồng bào DTTS sinh sống đã thực hiện chuyển giao 2.364 lượt công nghệ và xây dựng được 1.042 mô hình sản xuất ứng dụng KHCN vào sản xuất. Qua triển khai thực hiện, các mô hình ứng dụng KHCN có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Cùng với các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc cũng đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu-ứng dụng-chuyển giao KHCN. Từ năm 1998 đến năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì và cấp kinh phí thực hiện 83 đề tài khoa học cấp Bộ. Ngoài ra, các nhà khoa học của Ủy ban Dân tộc đã chủ trì hàng chục đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh khác và phối hợp thực hiện hàng chục đề tài cấp Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của cơ quan Công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình KHCN cấp quốc gia về: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về các DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Chương trình đã được phê duyệt, chính thức tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2016 nhằm cung cấp luận cứ khoa học để giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các DTTS.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu-ứng dụng-chuyển giao KHCN trong việc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế hiện nay trong lĩnh vực này. Theo đó, ngoài gặp khó khăn do kinh phí cấp cho hoạt động KHCN còn thấp thì các hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đa dạng, nhất là trong hợp tác, khai thác đề tài, dự án từ bên ngoài; chưa tổ chức được nhiều hoạt động, tư vấn, phân biệt về các vấn đề phục vụ công tác xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc…

Thực tế cho thấy, hoạt động KHCN vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Ở tầm vĩ mô, nghiên cứu khoa học là hoạt động đúc kết những vấn đề từ thực tiễn để thành cơ sở lý luận, từ đó cung cấp luận cứ khoa học để đổi mới chính sách dân tộc. Còn trên bình diện kinh tế-xã hội, nghiên cứu, ứng dụng KHCN trực tiếp tác động đến tập quán canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, nghiên cứu-ứng dụng-chuyển giao KHCN là hoạt động mang tính cấp bách, gắn chặt với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi nói riêng, cả nước nói chung.

TÙNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.