Để giải quyết bài toán này, Trung tâm đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Hải Dương làm việc và ký kết với các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc để tạo nguồn cung ứng lao động.
Cầu nối doanh nghiệp với lao độngRiêng trong năm 2017, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã ký kết biên bản thỏa thuận về cung ứng thị trường lao động với tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Theo đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương sẽ chủ động trao đổi thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cho tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Trung tâm Dịch vụ Việc làm chịu trách nhiệm trong việc liên kết phối hợp mở các phiên giao dịch việc làm.
Trong năm 2017, ngay tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Hải Dương, hàng tuần đều mở các sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến qua internet để kết nối doanh nghiệp với lao động. Ngoài ra, đối với các vùng sâu, vùng xa, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hải Dương còn đưa các doanh nghiệp tới tận địa bàn mà tỉnh đã ký kết trước đó.
Đơn cử, năm 2017, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hải Dương đưa doanh nghiệp tới làm việc với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Giang ,Tuyên Quang và Phòng Lao động các huyện rồi về trực tiếp đến các xã tuyển lao động. Ngược lại, ngành Lao động tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang cũng giám sát chặt chẽ, đến tận nơi khảo sát, kiểm tra đời sống của công nhân khi làm việc tại địa bàn Hải Dương.
Bà Lê Thị Phương Hoa cho biết thêm, với cách làm này, Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tuyển dụng được 700 lao động ở Hà Giang, hơn 100 lao động ở Tuyên Quang. Đây chỉ là những con số bước đầu, thời gian tới Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công việc này và hy vọng sẽ tuyển được nhiều lao động hơn.
Sinh kế mớiChị Sùng Thị Máy, dân tộc Mông, năm nay 22 tuổi, hiện đang làm cho Công ty may Tinh Lợi (Hải Dương) vui mừng cho biết, quê chị vốn ở vùng Cao nguyên đá Hà Giang, quanh năm khô, khát. Cả nhà chỉ trông vào vào nương ngô, năm được năm mất. Rất may tháng 7/2017, Đoàn công tác từ dưới xuôi lên xã chị tuyển công nhân may.
Chị Máy cho biết, khi đó không biết Hải Dương là ở đâu nhưng thấy bảo đi làm có lương thì mừng lắm. Khi được tuyển dụng, chị được Công ty hỗ trợ 500 ngàn đồng tiền đi xe ô tô. Mỗi tháng chị cũng được hỗ trợ thêm 600 ngàn đồng tiền thuê trọ. Ngoài ra khi mới xuống chị còn được phát 1 thùng mỳ tôm, gạo cùng chăn màn. Qua 2 tháng học việc, chị đã có thể làm chính thức. Hiện nay, lương của chị đã đạt gần 6 triệu đồng/tháng. Tết vừa rồi, về quê chị đã có tiền mua cho con quần áo mới, cả nhà cũng có một cái Tết no đủ nhất từ trước đến giờ.
Còn anh Hoàng Văn Ví, dân tộc Tày ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang), hiện nay là công nhân Nhà máy sứ Hải Dương cho biết, thông qua buổi giới thiệu việc làm của xã, anh đã được tuyển dụng về làm công nhân tại đây. Khi mới nhận thông báo trúng tuyển bản thân anh cùng gia đình cũng rất lo lắng vì nhà anh chưa ai đi ra ngoài tỉnh bao giờ. Tuy nhiên, sau vài tháng làm quen, anh đã ổn định cuộc sống. Công việc ban đầu tuy còn bỡ ngỡ nhưng dần dần anh cũng quen. Hiện nay, thu nhập của anh Ví đã đạt trên 5 triệu đồng. Với số tiền này anh có thể nuôi các con đi học và để được 1 phần tích cóp. Khi về quê anh cũng kể lại công việc của mình dưới xuôi để bà con yên tâm và tích cực cùng tham gia.
Anh Vương Khánh Dương, phòng Nhân sự, Công ty may Tinh Lợi cho biết, hiện nay công ty có khoảng 18.000 lao động với 4000 lao động ngoại tỉnh. Trong đó có nhiều lao động đến từ vùng sâu, vùng xa như: Hà Giang có 350 lao động, Sơn La 273 lao động, Lai Châu 73 lao động, Lào Cai 60 lao động… Các lao động này chủ yếu là nữ thuộc nhiều dân tộc khác nhau như : Tày, Thái, Mông, Dao…
Đánh giá về công nhân người DTTS, anh Vương Khánh Dương cho biết, ban đầu các công nhân này tiếp cận công việc khá chậm. Nhưng bù lại họ rất cần cù, siêng năng và thật thà trong công việc. Sau một thời gian làm việc, hiệu quả lao động của họ so với các lao động khác trong Công ty là tương đối cao. Công ty coi đây là nơi cung cấp lao động lý tưởng nên tiếp tục kết hợp với cơ quan chức năng tuyển dụng lao động.
HIẾU ANH