Dẫu không sinh ra ở miền biên viễn - nơi có những mái nhà sàn thâm nâu thời gian, những con đèo gió hú, những khúc cua chóng mặt… nhưng 15 năm cầm bút cũng đã cho tôi biết bao trải nghiệm về những bộn bề khó khăn của vùng đất ấy. Nếu chỉ nói khó khăn thôi thì chưa đủ. Ở đó, nơi của nghèo khó, vất vả, thiếu thốn… cùng những tập tục lạc hậu, những suy nghĩ hạn chế mà chưa được xóa bỏ hết.
15 năm cầm bút, tôi chẳng nhớ mình đã “ngược ngàn” biết bao lần, chẳng nhớ mình đã từng “cắm bản” biết bao bận. Gọi là “cắm bản” thì nghe quá đỗi lớn lao. Nhưng so với những anh bộ đội, chị giáo viên gắn bó cả tuổi thanh xuân nơi những bản làng mờ sương thì quãng thời gian tôi “cắm bản” quả là nhỏ bé, chẳng thấm vào đâu.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, động cơ, mục đích hay lý do nào khiến nhiều người buộc phải “cắm bản” lâu đến vậy? Phải đến khi mình ở trong hoàn cảnh buộc phải “cắm bản” thì tôi đã cắt nghĩa được vì sao. Với những nhà báo, phóng viên như chúng tôi, “cắm bản” hay “bám bản” chính là để cảm nhận đủ đầy hơn hơi thở cuộc sống còn bộn bề khó khăn của đồng bào miền sơn cước. Chỉ khi nào cảm nhận đủ và sâu, thì những thông tin chuyển tải đến độc giả mới sinh động, hấp dẫn và thuyết phục.
Còn nhớ, vụ sạt lở núi ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) vào cuối năm 2020. Tôi cũng đã phải “cắm bản”, “bám bản” để đưa tin, chuyển tải những nỗ lực khắc phục hậu quả, cứu giúp người dân miền núi Quảng Nam những ngày mưa lũ theo yêu cầu và chỉ đạo của Ban Biên tập. Quãng thời gian tôi “bám bản” đồng bào Mnông, Ca Dong… nơi đây chỉ mấy ngày ít ỏi, nhưng là những kỷ niệm, những khoảnh khắc đong đầy bao xúc cảm trên những nẻo đường tác nghiệp của bản thân.
Cho đến tận bây giờ, tôi hãy còn nhớ rõ những gương mặt khắc khổ, chất phác của bao người Mnông trong thảm họa thiên tai năm ấy; nhớ rõ cung đường hàng chục km đường rừng với hàng chục điểm sạt lở trên con đường từ trung tâm huyện Nam Trà My vào Trà Leng và nhớ rất rõ 4 ngày đêm dầm mưa rét “cắm bản” Trà Leng… Day dứt, ám ảnh, cảm thương… Phải chăng vì thế mà những trang viết từ hiện trường sạt lở tôi gửi về tòa soạn sinh động, chân thực và tỉ mỉ hơn.
Mới đây thôi, vào cuối năm 2022, khi hay tin thảm họa lũ ống, lũ quét xảy ra ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tôi đã lên đường. Mưa như trút, đường miền núi đổ về trung tâm huyện Kỳ Sơn đã sạt lở nhiều điểm. Đến hiện trường, chúng tôi như không tin vào mắt mình - bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) và một góc thị trấn Mường Xén ngập ngụa trong bùn đất. Mất điện, mất nước, mất sóng Wifi… cánh phóng viên “cắm bản” như tôi khổ ngang đồng bào Thái.
Gần một năm sau thảm họa, tôi không bao giờ quên những gói mì tôm cùng chai nước suối hôm ấy. Đó là nhu yếu phẩm “xa xỉ” nơi tâm lũ Kỳ Sơn, giúp chúng tôi cầm cự qua những bữa đói khát. Mấy ngày “bám bản”, tôi đã kịp ghi lại chân thực, tỉ mỉ thảm họa hiên tai cùng cuộc sống khó khăn và những nỗ lực khắc phục hậu quả của các ngành chức năng. Đã có mấy Clip, cùng nhiều tin bài tôi thực hiện trong rưng rưng bao xúc cảm về tình người, tình đất nơi huyện rẻo cao nhọc nhằn và gian khổ.
Trên những nẻo đường về với bản làng, về với đồng bào để “cắm bản”, “bám bản” tác nghiệp, tôi nhận ra rằng, vùng đất nơi miền quan tái dẫu đói nghèo, khốn khó nhưng tình người lại luôn đong đầy và như một thứ keo kết dính kẻ phương xa. Tôi chẳng nhớ, bản thân mình đã từng được ăn bao nhiêu bữa, ngủ lại bao nhiêu đêm trên vùng đất ấy. Tôi cũng đã từng say sau những bát rượu men lá sóng sánh, trong veo như nước suối đầu nguồn; từng “ngẩn ngơ” trước đêm hội với điệu lăm vông của những cô sơn nữ… Tất cả đọng lại trong tôi như một miền quê ấm áp mà nghĩa tình - miền quê thứ hai, chưa xa mà đã nhớ, chưa gần đã khấp khởi những bước chân.
Sau những chuyến ngược ngàn “cắm bản”, những trang viết của chúng tôi như trở nên sinh động, chân thực và xúc cảm hơn. Nẻo đường tác nghiệp mà tôi đã trải có sự sống của những con người chất phác, thuần hậu, có nghèo khó của núi rừng và vất vả của những cung đường khổ ải. Những tháng ngày “cắm bản” tựa như gió thoảng, mây bay; chẳng thấm vào đâu so với những con người đang sinh sống ở vùng đất ấy. Thành ra, tôi cứ mãi đinh ninh rằng, mình phải đi thật nhiều hơn nữa, viết thật nhiều hơn nữa... để không chỉ những khó khăn, vất vả mà còn cả những tiềm năng, thế mạnh, những gương người tốt việc hay của vùng đất được lan tỏa hơn. Mà muốn vậy thì càng không thể không “bám bản”, “cắm bản”…
Những tháng ngày “bám bản”, tôi nhận ra mình “nợ” những con người miền sơn cước biết bao nhiêu. Những món nợ ân tình ấy là điều mà suốt cuộc đời làm báo, tôi khó mà trả hết. Tự đáy lòng, tự trong tâm khảm… tôi luôn tự nhủ lòng phải viết thật đủ đầy, chính xác, kịp thời, chân thực… để những thông tin về cuộc sống của đồng bào, của vùng đất miền quan tái đến đầy đủ hơn với bạn đọc gần xa. Đó cũng là cách để góp thêm một hành động vì mục tiêu xây dựng bản làng ngày càng no ấm, bình yên.