Quà vui ngày TếtCận Tết, gia đình ông Nông Công Thuấn ở bản Cò Luồng, xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) tất bật sửa soạn nhà cửa để đón năm mới. Ông cũng không quên chuẩn bị sẵn một ít “lễ lạt” để biếu anh em họ hàng nội ngoại, trong đó không thể không có vài cân đặc sản nếp Khẩu Nua Lếch.
Ông bảo, Tết đến thì ai cũng đồ xôi, gói bánh. Mà dân Thượng Quan chỉ quen dùng nếp Khẩu Nua Lếch thôi, từ xưa đến nay như vậy rồi. Ngày trước, nếp Khẩu Nua Lếch rất hiếm, trồng một vụ trong năm (từ tháng 4 đến tháng 10) chỉ đủ dùng trong gia đình. Nay nhà trồng thêm, vừa đủ ăn Tết, có quà biếu họ hàng, lại có một phần nữa để đem bán.
Để làm rõ thêm ý của bố mình, anh Nông Công Canh, con trai ông Thuấn, cho hay: Vụ lúa năm nay, gia đình trồng 4.500m2 lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Cuối tháng 10 vừa qua, gia đình thu về được ngót 1,7 tấn lúa, năng suất lúa bình quân đạt 40 tạ/ha. Với giá thị trường hiện nay, một tấn lúa Khẩu Nua Lếch đem lại cho gia đình gần 18 triệu đồng. Còn với 1kg nếp thành phẩm, đóng thành bao bán ra thị trường thì có từ 40-45 nghìn đồng/kg, cao hơn gạo nếp thông thường từ 15-20 nghìn đồng/kg, nhưng vẫn không đủ bán.
Cũng như hộ ông Thuấn, vụ nếp 2017 vừa rồi, gia đình ông Ngô Văn Doạn, thôn Đông Van, xã Thượng Quan cũng dành hơn 5.000m2 đất ruộng để trồng loại nếp này. Năm nay, gia đình thu hoạch được gần 2 tấn thóc Khẩu Nua Lếch, sau khi dành để ăn, để làm quà biếu còn bán được 1,5 tấn; với giá trung bình từ 18.000-20.000 đồng/kg thóc, gia đình thu về ngót 30 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Doạn, trồng nếp Khẩu Nua Lếch có thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa tẻ. Không những vậy, nếp Khẩu Nua Lếch rất dễ tiêu thụ, thường không có đủ để bán.
Được biết, không chỉ ở xã Thượng Quan, mà ở các xã khác như Đức Vân, Bằng Vân thuộc huyện Ngân Sơn, Khẩu Nua Lếch là giống nếp thuần, được đồng bào dân tộc Tày gieo trồng từ hàng bao đời nay. Trước đây, nếp thu hoạch được hầu như chỉ đủ cho bà con sử dụng hoặc làm quà.
Bên cạnh đó, qua quá trình canh tác, do không được chọn lọc, phục tráng nên giống lúa quý đã bị thoái hoá, năng suất thấp. Vụ mùa năm 2010, diện tích trồng loại lúa đặc sản này ở cả 3 xã: Thượng Quan, Đức Vân, Bằng Vân chỉ còn chưa đầy 10ha. Nguy cơ mai một giống nếp đặc sản của người Tày ở Ngân Sơn là hiện hữu.
Để hương nếp bay xaKhẩu Nua Lếch vốn là giống lúa quý, hạt gạo mập, trắng, gói bánh chưng, đồ xôi dẻo, hương thơm đặc trưng, giàu dinh dưỡng. Nếu để mất đi thì không chỉ làm mất đi một hương vị tết đặc trưng của người Tày ở Ngân Sơn, mà còn là một thiệt hại không nhỏ trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS ở địa phương.
Chính vì vậy, năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện dự án “Phục tráng và phát triển giống lúa Khẩu Nua Lếch tại huyện Ngân Sơn”. Sau 3 năm miệt mài thử nghiệm, qua ba mùa vụ, dự án đã thành công mỹ mãn khi phục tráng được 115kg hạt giống siêu nguyên chủng, 6,35 tấn hạt giống nguyên chủng, 6,5 tấn hạt giống xác nhận.
Tiến sĩ Lưu Ngọc Quyến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: “Ngoài việc phục tráng giống, chúng tôi cũng xây dựng thành công quy trình canh tác mới, giúp năng suất trung bình đạt 38-42 tạ/ha, có nơi đạt 46 tạ/ha; hằng trăm lượt nông dân đã được tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa đảm bảo chất lượng, góp phần phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngân Sơn, bà Vũ Thị Tuyết, lúa Khẩu Nua Lếch hiện đã trở thành đặc sản địa phương, được mở rộng diện tích, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Hiện nay, diện tích canh tác lúa Khẩu Nua lếch toàn huyện đạt gần 70ha. Điều quan trọng với bà con là đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều chỉnh phân gio, tăng kali, giảm phân bón, áp dụng kỹ thuật cấy 3 rãnh để chắc hạt, cứng cây. Nhờ đó, lúa luôn đạt cả về chất lượng và năng suất.
Một cái Tết nữa lại về trên quê hương nếp Khẩu Nua Lếch. Trăn trở của những người có tâm huyết với nếp Khẩu Nua Lếch là làm thế nào để bảo tồn, phát triển giống nếp quý này. Chính vì vậy, để hương nếp Khẩu Nua Lếch được bay xa hơn trong mỗi độ Tết đến Xuân về, thì phải mở rộng diện tích gieo trồng ở Ngân Sơn; cùng với đó là chuyển giao thành quả phục tráng Khẩu Nua Lếch để giống nếp quý của đồng bào Tày Ngân Sơn không bị lai tạp, mai một.
MINH THU