Một năm với 365 ngày, trải suốt bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Chừng ấy sự vần vũ của thiên nhiên đất trời cũng là chừng ấy thử thách gian lao và nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị cũng như của mỗi một thôn xóm, mỗi gia đình, mỗi con người.
Để rồi cuối năm 2017, tất cả cùng vỡ òa với rất nhiều kỷ lục trong phát triển kinh tế-xã hội đã được xác lập. Như tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm trở lại đây); xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 400 tỷ USD (ghi dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế); vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD;…
Thêm nữa là sự hồi phục ấn tượng của thị trường chứng khoán, với mức vốn hóa hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360.000 tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020; là dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, hiện lên tới 54,5 tỷ USD-cũng về trước mục tiêu của năm 2020. Rồi con số 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam trong năm qua-cao nhất kể từ trước tới nay…
Không thể không gọi đây là những kỳ tích của Việt Nam khi năm 2017 là một năm đầy khó khăn. Đầu năm, hạn hán cùng với dịch bệnh đã khiến lúa xuân mất mùa trên diện rộng. Cuối năm, thiên tai, bão lũ hoành hành… Những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, thu ngân sách của nhiều địa phương khó khăn...
Những kỳ tích của Việt Nam đạt được trong năm 2017 đã thực sự gây ngỡ ngàng cho các đại biểu quốc tế tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 được tổ chức ngày 11/1/2018. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nói rằng, Việt Nam đã có một năm “rất thành công”.
Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi tham dự Diễn đàn đã chia sẻ câu chuyện: những năm 1990-1991, khi ông tới Việt Nam và thấy đường từ sân bay về trung tâm Thủ đô chỉ là con đường nhỏ, người Việt Nam chủ yếu đi xe đạp, lác đác trên đường mới có ô tô, xe máy. So sánh với bây giờ, ông khẳng định: “Tăng trưởng và những thành công của Việt Nam đạt được rất tuyệt vời”.
Thành tựu năm 2017 rõ ràng là kỳ tích. Nhưng kỳ tích không tự nhiên mà có. Thành tựu của Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó có dấu ấn chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ.
Cần phải nhắc lại, kết thúc quý I/2017, Tổng cục Thống kê công bố số liệu tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,15%, thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2016 (5,48%) và năm 2015 (6,12%). Các chuyên gia bắt đầu lo lắng, tăng trưởng kinh tế 2017 có thể còn không thể đạt con số 6,21% của năm 2016. Đã bắt đầu có những ý kiến về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, bởi đó là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Bởi một lẽ, nếu điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống thì Việt Nam khó có thể thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Hơn nữa, là một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…
Kiên định mục tiêu đó, đầu tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Đầu tháng 8/2017, trước tình hình giải ngân chậm, lo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…
Nghị quyết, chỉ thị được ban hành, lại sát sao theo dõi, giám sát, thực hiện đồng bộ và nhất quán, từ Trung ương tới địa phương, từ mọi cấp, ngành đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Mức tăng trưởng GDP tăng dần theo từng quý: từ 5,15% của quý I lên 6,28% của quý II, rồi 7,46% của quý III và 7,65% của quý IV/2017. Để rồi, cả năm 2017 tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu đề ra, vượt mọi dự đoán của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế.
Kỳ tích đã xuất hiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang lan tỏa để biến những kỳ tích này thành khát vọng vươn cao, bay xa. Như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Năm 2018, rằng: “Chúng ta cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”.
SỸ HÀO