Lâm Thuỷ là xã biên giới xa nhất của huyện Lệ Thuỷ, có đường biên giới giáp nước bạn Lào dài gần 30km; chủ yếu là nơi sinh sống của hơn 90% người dân tộc Bru - Vân Kiều.
Đường đến trung tâm xã Lâm Thủy đã thuận lợi hơn nhờ có con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy vắt qua. Nhưng, với rất nhiều bản làng ở địa phương này, thì để tiếp cận được hãy còn rất gian nan. Với đặc thù là địa bàn biên giới, các bản không chỉ ở cách xa nhau, có những bản phải đi bộ cả ngày đường mới đến nên việc việc phát triển kinh tế- xã hội nói chung, kết nối thông tin nói riêng, gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, 6 bản làng vùng sâu của xã Lâm Thủy gồm: bản Mới, Bạch Đàn, Chút Mút, Tăng Ky, Tân Ly, Xà Khía… dường như vẫn bị rơi vào tình trạng là những vùng đất “biệt lập”.
Già làng Hoàng Tuông ở bản Xà Khía, xã Lâm Thủy bộc bạch: Đường đi lại khó khăn, địa bàn xa xôi nên trước đây, mỗi khi trong bản có mâu thuẫn hay bất hòa, ta đều đứng ra họp dân làng để hòa giải. Bản ta rất ít khi nhờ lực lượng chức năng giải quyết vì do ở quá xa, ta và nhiều người dân cũng không biết liên lạc với ai và bằng cách nào.
Không thể để đồng bào thiếu thông tin, không thể để vùng đất biên viễn tiềm ẩn mất an toàn…, Công an xã Lâm Thuỷ đã triển khai xây dựng mô hình “Kết nối thông tin an ninh trật tự vùng biên”. Thực hiện mô hình này, các số điện thoại của Trực ban Công an huyện Lệ Thủy, số điện thoại di động Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, Trưởng Công an xã Lâm Thủy đã được lực lượng Công an xã đến tận nhà để cung cấp cho người dân.
Nhờ có các số điện thoại được dán lên tường nhà, khi cần có thể gọi, đồng bào Bru - Vân Kiều nơi đây cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Già làng Hoàng Tuông vui vẻ: Các đồng chí công an đi tuần tra thường xuyên nên dân bản rất yên tâm. Cũng nhờ vậy mà tình hình an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông đều ổn định hơn.
Được biết, mô hình “Kết nối thông tin an ninh trật tự vùng biên”, đã được công an xã Lâm Thủy trăn trở từ rất nhiều năm trước. Khi được điều về đảm nhiệm các chức danh Công an xã Lâm Thuỷ - là lực lượng nòng cốt đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở cơ sở, các anh đã trăn trở nhiều vấn đề, giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự vùng biên giới có hiệu quả.
Trung tá Nguyễn Văn Vũ, cán bộ công an xã Lâm Thủy kể: Các bản ở địa phương nằm cách xa nhau, trong khi giao thông đi lại rất khó khăn nên việc nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết các vụ việc trên địa bàn là một thách thức không nhỏ. Trước thực tế này, lực lượng công an xã đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất giải pháp kết nối thông tin liên lạc vùng biên giữa Công an xã và người dân.
Ngay lập tức sáng kiến này được cấp ủy chính quyền địa phương và lãnh đạo Công an huyện Lệ Thủy đồng ý. Theo đó, Công an xã đã cho in ấn các tờ rơi có các đường dây thông tin liên lạc, cấp phát cho người dân, đồng thời dán công khai ở các vị trí công cộng tại 6 bản vùng sâu, vùng xa.
Bám nắm địa bàn ngay từ những ngày đầu nhận việc, đặc biệt là biết dựa vào uy tín của những già làng, trưởng bản nên nhiều việc đã dễ dàng hơn. Hai năm qua, mô hình “Kết nối thông tin an ninh trật tự vùng biên” được Công an xã Lâm Thủy triển khai đang góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trung tá Võ Doãn Linh, Trưởng Công an xã Lâm Thủy hào hứng: Có số điện thoại liên lạc, bà con có việc cần gọi là lực lượng công an sẽ có mặt. Chúng tôi nhận thấy, bà con Bru-Vân Kiều yên tâm hơn trong cuộc sống, bởi những đối tượng xấu vào nhà nhìn thấy thông tin liên lạc với lực lượng chức năng là đã bỏ đi rồi.
Chỉ mấy năm bám địa bàn, nhưng với bà con Bru – Vân Kiều ở xã Lâm Thủy, các chiến sĩ công an đã trở thành những người con của bản. Dưới chân dãy núi Trường Sơn, cuộc sống bình yên của người dân luôn hiện hữu, càng khẳng định chắc chắn hơn về thế trận an ninh trật tự vùng đất phên dậu biên cương: biết dựa vào dân và tin tưởng vào người dân.