Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kết nghĩa để giúp dân thoát nghèo

PV - 17:46, 29/01/2018

Nhìn những căn nhà kiên cố hiện hữu giữa bạt ngàn màu xanh no ấm, bà Đinh Thị Ngoại và nhiều người khác ở làng Lợt (xã Nghĩa An, Kbang, Gia Lai) tràn ngập niềm tin và sự xúc động, bộc bạch rằng: Thành quả ấy sinh ra từ sự gắn kết keo sơn, nghĩa tình giữa Đảng, Nhà nước và bà con đồng bào dân tộc thiểu số, từ những sự kết nghĩa thắm tình. Dẫu còn nhiều nhà chưa giàu lên nhưng người dân ở Nghĩa An, trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chỉ nghe theo Ðảng, Nhà nước, không nghe kẻ xấu.

Động lực từ sự gắn kết

Đi qua hơn 40 mùa rẫy, bàn chân triền miên xước rách trên đồi cao lẫn ruộng cạn nhưng vẫn không thể vươn lên thoát nghèo và xây dựng được căn nhà kiên cố, đã bao lần ông Đinh Văn Tông (người Ba Na ở làng Lợt) trĩu nặng ưu tư, luẩn quẩn với câu hỏi nên bám đất quê hay đi lang bạt làm nghề tự do? Đúng lúc ấy, căn nhà ván của ông Tông vang lên tiếng gõ cửa, các cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Kbang tìm đến siết chặt tay ông bảo: Mình cùng kết nghĩa nhé. Chúng tôi sẽ lo vật liệu, lo khảo sát và xây nhà miễn phí cho nhưng cái bụng của Tông phải luôn cháy bỏng niềm tin và thúc giục ý chí vươn lên. Có nhà xong rồi sẽ có cán bộ khác đến bày cho cách làm ăn. Chỉ có thế mới hào sảng, mới thoát nghèo bền vững được.

Các đơn vị kết nghĩa xây nhà kiên cố cho người nghèo ở làng Lợt. Các đơn vị kết nghĩa xây nhà kiên cố cho người nghèo ở làng Lợt.

 

Nghe cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Kbang phổ biến xong, ông Tông mừng rỡ suốt mấy ngày và lấn bấn không biết thực hay mơ. Cho đến ngày, xe nọ nối xe kia đưa vật liệu đến làm nhà kiên cố thì ông vỡ òa sự sung sướng, giấc mơ cả đời đã thành sự thật, Xuân 2018 này niềm vui như được nhân lên nhiều lần.

Cũng giống như ông Tông, từ ngày được UBND xã Nghĩa An xây cho căn nhà kiên cố, bà Đinh Thị Ngoại (người Ba Na) cùng người thân của mình như được tiếp thêm động lực mới, khí thế mới, miệt mài lao động trên rẫy bắp. Bà Ngoại chia sẻ rằng: Nhà mình nghèo lắm. Xưa nay làm lụng mãi vẫn không dư được số tiền lớn để xây nhà, ở nhà tạm mỗi lần mưa gió cơ cực. Thế rồi, cán bộ xã đến bảo, xã kết nghĩa với làng, với gia đình để đỡ đần, giúp xây nhà mới. Có nhà rồi chỉ còn lo làm ăn thật tốt để sắm đồ đạc thôi…

Được biết trước đó, xã Nghĩa An có trên 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là Ba Na) trong cảnh nghèo khó, phải ở nhà tạm. Trước tình trạng đó, Huyện ủy Kbang ban hành Quyết định số 20-QĐ/HU phân công các chi bộ, các tổ chức cơ sở đảng kết nghĩa với các làng, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo khó để xây nhà kiên cố và giúp họ thoát nghèo.

Ông Võ Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An khẳng định; Phong trào kết nghĩa là một chủ trương giàu tính nhân văn. Từ quyết định này, đến đầu năm 2018, xã Nghĩa An đã tổ chức, kết nối cho 28 chi bộ, tổ chức cơ sở đảng kết nghĩa giúp gần 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Để thoát nghèo bền vững thì các đơn vị được phân công kết nghĩa vẫn luôn sát cánh bên các hộ dân để giúp họ khi cần thiết.

Tiếp nhận kỹ thuật vươn lên làm giàu

Bấm ngón tay, ông Đinh Linh (người Ba Na ở làng Kuao) nhẩm tính; Mình có năm sào mía, ba sào bắp. Trước đây không biết chăm sóc, không biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật, mía và bắp mất mùa liên tục, làm mãi mà vẫn có năm không đủ ăn. Giờ đây được các cán bộ lâm nghiệp đến tận ruộng chỉ cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, cách bón phân nên cây lên xanh khỏe mà không sâu bệnh gì. Các loại phân cũng được bên công ty lâm nghiệp hỗ trợ vì họ kết nghĩa với mình. Làm theo kiểu mới này, vụ Hè Thu năm 2017 mình đã có lời hàng chục triệu đồng từ năng suất của cây trồng, không còn lo cái nghèo đeo bám nữa.

Cũng giống ông Linh, sau khi thấu hiểu, vỡ lẽ ra rằng chỉ cần mẫn làm nông nghiệp theo thói quen thôi là không đủ mà còn cần có khoa học-kỹ thuật. Từ đó, các cán bộ nông nghiệp, lâm nghiệp hướng dẫn gì là anh Đinh Văn Hậu (người Ba Na ở làng Lợt) ghi nhớ và học thuộc điều đó để áp dụng vào sản xuất.

Rạng rỡ niềm vui, anh Hậu chia sẻ: Mình là hộ nghèo, được các cán bộ lâm nghiệp nhận kết nghĩa để đỡ đần nên rất cảm kích. Gia đình ở đây mấy đời rồi. Cha tôi lúc còn sống có dặn rằng, nhà đông anh em thì bám lấy đất mà sống. Nhưng bao nhiêu năm trước canh tác theo thói quen, không có năng suất. Từ khi được tiếp cận khoa học-kỹ thuật áp dụng trồng bắp, trồng mía sản lượng thu được vượt trội, lại được mở mang đầu óc để hướng dẫn cho họ hàng, bà con trong làng nữa. Ở làng Lợt và nhiều làng khác trong xã giờ nhà nhà đều bàn chuyện làm nông nghiệp theo kỹ thuật mới rồi.

Là đơn vị kết nghĩa với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak cho biết; Khi được xã phát động, công ty đã nhiệt tình hướng ứng ngay. Riêng trong năm 2017, công ty đã kết nghĩa với 4 hộ ở làng Kuao và giúp họ thoát nghèo, có nhà ở. Cùng với đó, công ty còn chuyển giao kỹ thuật, tặng cây trồng, phân bón… cho hàng chục hộ dân khác trong xã. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây khi được trợ giúp những điều thiết thực họ sẽ vững tin vươn lên làm ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhìn đàn bò khỏe mạnh của làng Lợt thảnh thơi trên đồng cỏ, già làng Đinh Liêm (người Ba Na) tin tưởng: Nuôi theo kỹ thuật mới rồi, không sợ bò bệnh, bò chết nữa. Đàn này rồi sẽ sản sinh ra đàn khác, chả mấy chốc cả làng mình và các làng khác nữa sẽ giàu lên thôi...

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.