Phát huy nguồn lực văn hóa
Cứ vào tháng 11 hằng năm, người dân và du khách lại được hòa mình vào sự sôi động, đặc sắc của Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng.
Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào và tưởng nhớ vị anh hùng A Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã cùng bà con dùng con thuyền độc mộc để chở bộ đội, vật tư qua sông đánh giặc, góp phần làm lên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những ai từng chứng kiến Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô năm 2023 tổ chức vào tháng 11 vừa qua, không chỉ mãn nhãn với những màn trổ tài đua thuyền độc mộc, du khách còn được tham quan, mua sắm nhiều sản vật, nông sản đặc trưng chỉ có ở Ia Grai như: gạo A Sanh, cá khô sông Sê San, các sản phẩm OCOP như hồ tiêu, hạt điều, cà phê… Hội đua thuyền trên sông Pô Cô năm 2023, Liên hoan văn hóa Cồng chiêng cấp huyện năm 2023 thu hút gần 15.000 lượt du khách.
Anh Hoàng Đức Hải, du khách Hà Nội chia sẻ: “Cảm giác được tìm hiểu, sống cùng lễ hội và các hoạt động thể thao nơi đây thật thú vị. Không gian xanh ngát, sông núi nên thơ và con người rất thân thiện. Đến với huyện Ia Grai đã khiến chuyến đi của chúng tôi càng thêm ấn tượng, khó quên”.
Cùng với Hội đua thuyền trên sông Pô Cô, gần đây huyện còn tổ chức phục dựng các nghi thức, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS như lễ cúng nhà Rông mới tại làng Tung Chruc và làng Jrăng Krăi, lễ cúng giọt nước xã Ia Yok, lễ mừng lúa mới tại làng Bồ,…
Thông qua những hoạt động văn hóa, huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa các điểm du lịch hấp dẫn như: làng chài, thác Mơ, Bến đò A Sanh, Khu Di tích chiến thắng Chư Nghé, thác Ba tầng, thác Chín tầng, rừng Lùn... qua đó thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế - xã hội địa phương.
Ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch
Huyện Ia Grai là địa phương có sự đa dạng về bản sắc văn hóa đa dân tộc, với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Gia Rai chiếm gần 50% dân số. Nhiều lễ hội văn hóa phong phú như lễ pơ thi (bỏ mả), lễ mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng rừng đầu năm..., cùng các sản phẩm ẩm thực hấp dẫn như: rượu cần, cơm lam, gà nướng, lá mì, rau rừng... Khí hậu tương đối ôn hòa là điều kiện thuận lợi để du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch ngoài trời.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh như: thác Mơ, thác Chín Tầng, thác Lệ Kim hùng vĩ cùng các vùng sinh thái lớn để phục vụ phát triển du lịch như: làng chài hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O), Khu du lịch sinh thái và lễ hội Về Nguồn, khu đồi thông (xã Ia Dêr); các di tích lịch sử như: Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai), Bến đò A Sanh (xã Ia Khai).
Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, UBND huyện đã xây dựng Đề án quy hoạch phát triển du lịch của huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ngành và các đơn vị, địa phương đã tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn.
Huyện cũng chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch như: tổ chức rà soát các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc để phục vụ cho công tác du lịch. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch và đăng ký thương hiệu sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện...Từ đó, tạo cơ hội cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử kết hợp với phát triển du lịch canh nông. Mặt khác, UBND huyện cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư vào một số dự án cơ sở hạ tầng phát triển du lịch…
Ngoài ra, mỗi năm huyện cũng bố trí đón các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị trong và ngoài tỉnh đi nghiên cứu thực tế về văn hóa, du lịch trên địa bàn. Theo thống kê, năm 2023 ước đón khoảng 19.500 lượt khách, tăng hơn 3000 khách so với năm 2022, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra, tổng giá trị ước khoảng hơn 9 tỷ đồng.
Ông Đào Lân Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Với định hướng phát triển huyện Ia Grai bền vững, thân thiện, mến khách, đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho du khách, địa phương đang tiếp tục khảo sát các vùng nông nghiệp, làng nghề truyền thống, các danh lam thắng cảnh có tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện; Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thường niên quy mô cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực cho công tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ, các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên địa bàn huyện.
"Đặc biệt, huyện đầu tư xây dựng 2 di tích lịch sử cấp tỉnh, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng du lịch, giao thông đang triển khai. Năm 2024, huyện Ia Grai phấn đấu đón khoảng 20.000 lượt khách, tăng hơn 500 lượt khách, so với năm 2023. Doanh thu phấn đấu đạt trên 10 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch huyện Đào Lân Hưng cho hay.