Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên): Luật quy định cấm chặt phá rừng để lấy đất canh tác chưa đủ sức răn đeĐề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định về chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vào dự thảo luật để khuyến khích lĩnh vực này phát triển. Việc phát triển
nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao như là một tất yếu. Cần có chính sách cụ thể, kịp thời để hỗ trợ phát triển nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và thị trường. Cần có chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào luật việc hạn chế hàng hóa nông sản sử dụng chất bảo quản gây hại đến sức khỏe con người; hạn chế chặt phá rừng đã được quy hoạch công bố, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hài hòa. Bởi lẽ thời gian qua, rừng ở nhiều nơi bị chặt phá, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thường xuyên xảy ra. Đã làm suy kiệt dần các nguồn nước và tài nguyên rừng. Việc chặt phá rừng, là nguyên nhân chủ yếu do đời sống sinh kế của người dân còn quá khó khăn, nên việc phá rừng để lấy đất canh tác sinh tồn do luật quy định và thực hiện chưa nghiêm, chưa đủ răn đe.
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn): Ưu tiên đào tạo nhân lực khuyến nông cho vùng đặc biệt khó khăn
Trong khi nguồn lực đất nước có hạn nên chúng ta phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực về khuyến nông cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, trong Báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã kiến nghị, do hệ thống tiêu chí phân định chưa hợp lý nên hiện nay, việc xác định phạm vi vùng DTTS, miền núi chưa thống nhất. Đề nghị thiết kế, bổ sung thêm điểm quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi bị thiên tai, dịch bệnh làm mất mùa.
Đại biểu A Pớt (Kon Tum): Quy định cụ thể việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với miền núi, vùng cao
Dự thảo Luật quy định về vùng chuyên canh hàng hóa tập trung cao, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao. Các quy định này cần cụ thể hơn cho phù hợp với miền núi, vùng cao, vốn có độ dốc cao, địa hình chia cắt, nhằm tránh tình trạng phát triển phong trào. Đồng thời, phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực của từng vùng như miền núi, vùng cao.
Dự thảo cũng đã có quy định về vấn đề phân bón nhưng trong trồng trọt không thể thiếu vấn đề bảo vệ thực vật.
Tình trạng kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay, đang làm tăng thêm tính nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường và không an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm cây trồng. Dự thảo Luật cần bổ sung những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc về vấn đề kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ thực vật. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung phòng, chống dịch bệnh trong quá trình canh tác.
THANH HUYỀN