Sau khi chuyển đổi, các HTX ở Phú Yên đã có bước phát triển theo chiều hướng tích cực, theo hướng đa ngành, nghề tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiện tỉnh Phú Yên có 113 HTX đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.735 người. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tạo việc làm cho gần 1.400 lao động/80 HTX. Ông Trần Hưng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: “Các HTX không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy mà còn kết hợp kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Hằng năm, các đơn vị này vừa duy trì dịch vụ truyền thống vừa mở thêm dịch vụ kinh doanh mới, nên tạo thêm việc làm ngày càng nhiều cho người lao động”.
Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên cho biết: Đầu năm 2018, HTX khai trương cửa hàng xăng dầu, chính thức đưa dịch vụ bán lẻ xăng dầu đi vào hoạt động. Từ đây, HTX tạo việc làm cho 5-7 lao động, góp phần tăng số lao động làm việc tại HTX lên hơn 100 người.
Theo khảo sát thực tế tại một số HTX Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mức lương hiện tại của người lao động bình quân từ 2,5-4 triệu đồng/tháng. Tuy không cao nhưng cũng đủ để người dân ổn định cuộc sống. Ông Mai Bá Xuân là thành viên HTX Nông nghiệp An Ninh Tây, huyện Tuy An, cho biết: “Tôi lái máy cày cho HTX, năm 2013, thu nhập khoảng 2-6 triệu đồng/vụ, thì nay đã là 5-8 triệu đồng/vụ. Làm cho HTX, tôi còn có thời gian làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập”.
Đối với HTX thuộc các lĩnh vực vận tải, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại…, mở rộng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều lao động có thêm việc làm. Theo ông Nguyễn Diễn, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải khách du lịch Yên Phú (TP. Tuy Hòa), sau 2 năm hoạt động, đơn vị đã tăng từ 80 đầu xe lên 100 đầu xe. Cùng với đó, số lao động bình quân có việc làm tại HTX cũng tăng từ 160 lên 200 lao động.
Tại Bình Định, các HTX cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều HTX ăn nên, làm ra, không chỉ bảo đảm thu nhập cho thành viên mà còn giúp cho hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm. Một số HTX điển hình như: HTX Nông nghiệp Ngọc An, HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê, HTX vận tải Bình Minh...
Ông Nguyễn Xuân Thạch, Giám đốc HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê, huyện Hoài Nhơn chia sẻ: “Với lợi thế có sẵn nguồn nguyên liệu tại địa phương, chúng tôi đã đầu tư máy móc để khai thác đá và nhiều sản phẩm từ đá, phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương và nhiều tỉnh thành khác. Doanh thu của HTX hàng năm từ 40-60 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương, với mức lương từ 5-8 triệu đồng/người/tháng”.
HTX nông nghiệp Ngọc An, huyện Hoài Nhơn cũng là một đơn vị kinh tế tập thể điển hình của tỉnh Bình Định. Ngoài đảm bảo các khâu dịch vụ cho 1.200 thành viên, HTX còn mạnh dạn đầu tư sản xuất bánh tráng nước dừa và dầu dừa, nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu dừa dồi dào ở địa phương, kết hợp điều kiện sẵn có của HTX về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như diện tích mặt bằng, điện nước, nguồn lao động, giúp xã viên có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Việc sản xuất, kinh doanh thành công sản phẩm dầu dừa tinh khiết và bánh tráng mang lại cho bà con xã viên HTX mỗi năm từ 3-4 tỉ đồng, HTX hoàn toàn có khả năng tiếp tục nhân rộng để tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn.
ĐẠT THÀNH NHÂN