Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, nghe chị Phạm Thị Huyền Anh-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô, báo cáo, chúng tôi đã nghĩ rằng, Hợp tác xã của chị ở xã Pô Kô, nhưng hóa ra không phải vậy. Hợp tác xã mượn cái tên sông Pô Kô nổi tiếng là để chỉ sự gắn bó, thủy chung với cộng đồng người dân Tây Nguyên.
Thực ra, sự hình thành và vươn lên của Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô xuất phát từ Tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng trước đây. Chị Phạm Thị Huyền Anh kể, tiền thân Pô Kô Farms là tổ hợp tác (tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà) chuyên sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn của tổ chức Thương mại Công bằng và phân phối trong chuỗi cung ứng đạt chứng nhận Thương mại Công bằng. Các thành viên chuyên canh cà phê trong Hợp tác xã phần lớn là những người lính trở về từ sau chiến tranh, nhưng có chí hướng phát triển kinh tế gia đình, tạo dựng thương hiệu và xây dựng địa phương.
Từ sự thành tâm của những người lính, vận may đã mỉm cười khi đại diện FlO-EV (Tổ chức quốc tế cấp nhãn hiệu Fairtrade) ở Việt Nam và Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng hỗ trợ và thu mua sản phẩm kể từ năm 2009. Từ 43 thành viên ban đầu, đến nay, Pô Kô Farms phát triển lên 118 thành viên với tổng diện tích 200ha cà phê sạch, sản lượng thu được hàng năm khoảng 800 tấn cà phê nhân.
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Pô Kô Farms có nhiều đóng góp nâng cao đời sống cho các thành viên và cộng đồng chuyên canh cà phê sạch bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực canh tác. Là thành viên của mạng lưới các nhà sản xuất của tổ chức Thương mại Công bằng nên Pô Kô Farms cũng nhận được sự hỗ trợ về nâng cao nhận thức sản xuất cà phê bền vững và cập nhật nhu cầu thị trường từ tổ chức này.
Chính vì lấy mục tiêu sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng, cộng đồng tiêu thụ cà phê sạch từ các nước phát triển trên thế giới chấp nhận mua giá cao hơn với giá thị trường. Sự chênh lệch giá này được hỗ trợ lại cho cộng đồng nơi Pô Kô Farms đang hoạt động. Theo đánh giá, trong gần 10 năm hoạt động (tính từ thời điểm ra đời của Tổ hợp tác), Pô Kô Farms đóng góp 1,2 tỷ đồng xây dựng 2 hội trường sinh hoạt cộng đồng; 300 triệu đồng xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình kém may mắn; 450 triệu đồng xây cầu, tu sửa đường giao thông nông thôn; 100 triệu đồng xây trường mầm non… ở thị trấn Đăk Hà.
Có thể nói, đóng góp của Pô Kô Farms vào sự phát triển cộng đồng là không nhỏ. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Vị, Trưởng ban Kiểm soát của Pô Kô Farms khẳng định, Pô Kô Farms đã làm được một việc ý nghĩa với cộng đồng, với địa phương. Người nông dân ở đây không phải lo tìm đầu ra cho hạt cà phê vì có Pô Kô Farms bao tiêu sản phẩm.
Qua quá trình hoạt động và khẳng định uy tín, hạt cà phê của Pô Kô Farms được xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới như Bỉ, Thụy Sỹ, Mỹ, Anh, Đức… Thương hiệu Pô Kô Fams tạo được ấn tượng tốt khi tham gia các sự kiện Coffee Expo tại Seattle do SCA tổ chức và sự kiện Café show 2018 tại SECC, TP. Hồ Chí Minh.
“Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2018-2023, Pô Kô Farms hướng đến sự phát triển đồng bộ giữa sản xuất, chế biến thành phẩm, xuất khẩu và tham gia vào mắt xích du lịch địa phương. Các hoạt động này không ngoài việc cải thiện và ổn định thu nhập cho nông dân thành viên Pô Kô Farms và trên địa bàn huyện”, Giám đốc Phạm Thị Huyền Anh nhấn mạnh.
Trước yêu cầu đặt ra trong sản xuất, Pô Kô Farms mong được Nhà nước và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn ưu đãi tái canh cà phê kết hợp với đa dạng hóa cây trồng (trồng cây che bóng, cây chắn gió bằng cây ăn quả hoặc cây công nghiệp khác) tránh phụ thuộc hoàn toàn vào cà phê; được tiếp cận các dự án tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê một cách toàn diện…
VĂN NHIÊN