Ngay sau khi Quyết định 718 được ban hành. Cơ bản, các tỉnh đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, triển khai đồng bộ thống nhất các nội dung trong Quyết định. Sau 5 năm triển khai thực hiện, các địa phương đã lựa chọn và ký hợp đồng được 205/258 nhân viên người dân tộc Mông làm việc tại xã trọng yếu. Việc triển khai Quyết định 718 đã mang lại hiệu quả tích cực, đạt được mục tiêu đề ra, công tác nắm bắt tình hình trong đồng bào dân tộc Mông được thuận lợi hơn, kịp thời ngăn chặn hoạt động tuyên truyền thành lập nhà nước Mông và truyền đạo trái pháp luật, di cư tự phát trong đồng bào dân tộc Mông, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh chính trị...
Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt các giải pháp, công tác phát triển đảng và củng cố các chi bộ ở thôn, bản đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Cụ thể, các xã thuộc phạm vi Quyết định 718 đã kết nạp được 2.313 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc Mông 812 người, thành lập 300 chi bộ thôn, bản, xóa được 86 thôn, bản trắng đảng viên, cử gần 500 lượt cán bộ, công chức người dân tộc Mông đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Trên 60% các xã có 30% dân số là người dân tộc Mông trở lên được bố trí ít nhất 1 cán bộ là người dân tộc Mông giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt. Hiện đã có 7/9 tỉnh không còn tình trạng thôn, bản trắng chi bộ…
Có thể nói, Quyết định số 718 là một chủ trương, giải pháp thiết thực, phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện vẫn còn 17 xã có tỷ lệ dân số có người Mông chiếm 30% nhưng chưa bố trí được cán bộ chủ chốt là người dân tộc Mông. Do không có nguồn và một số địa phương, đồng bào người Mông có trình độ từ trung học phổ thông trở lên rất ít; tình trạng bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng vẫn xảy ra do phụ cấp thấp…
Tại Hội nghị, ông Mạc Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho rằng: Với mức kinh phí phụ cấp cho nhân viên hợp đồng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người là quá thấp, không được vận dụng theo hệ số lương, không quy định việc đóng BHXH, BHYT; thời hạn hợp đồng ngắn (hết năm 2018) nên các nhân viên hợp đồng không yên tâm công tác. Theo đó, Lào Cai đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách đối với người DTTS và lồng ghép các chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc Mông.
Còn ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Để giúp đồng bào Mông ổn định cuộc sống, tránh tình trạng di cư tự phát. Chính phủ cần tiếp tục kéo dài đề án nhưng phải có hướng tích hợp như thế nào để phát huy hiệu quả; giải pháp trong thi tuyển công chức cho đối tượng người dân tộc Mông sau khi kết thúc hợp đồng; lựa chọn đào tạo theo chức danh khi đã trúng tuyển công chức đối với cán bộ người dân tộc Mông cũng như cán bộ người DTTS nói chung...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Y Thông ghi nhận những kết quả mà các tỉnh đã đạt được sau 5 năm triển khai đề án. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà địa phương còn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng cho biết UBDT sẽ ghi nhận và sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.
Tại Hội nghị tổng kết, đã có 32 tập thể và 28 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu, vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018”.
THU THẢO