Báo cáo với Đoàn công tác, ông Chau Anne - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một tỉnh biên giới ở miền Tây Nam Bộ, vừa có núi vừa có đồng bằng. Dân số toàn tỉnh hơn 2,1 triệu người, với 29 dân tộc sinh sống, gồm 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.
Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 28 DTTS chiếm 5,26% (tương đương 119.216 người) dân số toàn tỉnh; trong đó, dân tộc Khmer có 93.717 người (chiếm 4,2%), dân tộc Chăm 15.327 người (chiếm 0,67%), dân tộc Hoa 10.079 người (chiếm 0,38%) và 25 DTTS khác sống rải rác trên địa bàn. Mỗi DTTS ở An Giang đều có những nét riêng.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh An Giang đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào. Đến nay, cơ bản các ấp, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng để phấn đấu thực hiện các mục tiêu về nông thôn mới (NTM); hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất; số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; 100% số hộ dân có điện.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được quan tâm, nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân được quan tâm. Công tác bảo vệ và phát triển dân số dân tộc được các cấp, các ngành chú trọng triển khai, thực hiện. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định.
Toàn tỉnh An Giang có 60/116 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, đạt tỷ lệ 51,72%; riêng 18 xã, phường, thị trấn biên giới có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Vĩnh Tế, Tp. Châu Đốc), 5 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt xã văn hóa NTM và 1 phường đạt chuẩn đô thị văn minh (phường Vĩnh Mỹ, Tp. Châu Đốc).
Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của tỉnh đạt 45 triệu đồng/người/năm. Các Chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép một cách hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh vào cuối năm 2021 là 0,87%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố biên giới là 1,45%; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh là 5,15%...
Các hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo đều tuân thủ đúng theo quy định pháp luật và thực hiện đúng Hiến chương, nội quy, quy chế của các tôn giáo...
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề về kết quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang; đánh giá những bất cập và thuận lợi, khó khăn khi triển khai…
Thực tế, cơ sở hạ tầng tại 18 xã thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh hiện còn nhiều khó khăn, tỉnh khó xây dựng những chính sách đặc thu cho các địa phương này. Do đó, tỉnh An Giang kiến nghị Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện cho kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời cần xây dựng, đề án chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, dân tộc để phát huy tính hiệu quả hơn; đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư cho đồng bào dân tộc Chăm…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lâm Thành - Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Lâm Thành đề nghị thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh An Giang tăng cường quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi, bảo đảm đồng bào DTTS và miền núi được thụ hưởng tất cả chính sách một cách kịp thời, đúng quy định. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng một số chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới, vùng DTTS và miền núi để thu hút đầu tư…
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ ghi nhận và cập nhật vào báo cáo trình Hội đồng Dân tộc.
Trong Chương trình giám sát, ngày 22 và sáng 23/8, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tình hình đời sống của đồng bào DTTS cũng như việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh tại hai huyện biên giới có đông đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là Tịnh Biên và Tri Tôn.