Thiệt hại nặng nề
Có mặt tại bản Poọng, xã Tam Chung vào thời điểm này, không khỏi xót xa trước cảnh hoang tàn, đổ nát từ những ngôi nhà của đồng bào Thái nơi đây. Đi đến đâu cũng bắt gặp những ánh mắt thẫn thờ, hoang mang của người dân. Mưa lũ những ngày qua khiến cho bản Poọng, xã Tam Chung gần như bị “xóa sổ”. 32 trong tổng số 86 ngôi nhà của người dân bản Poọng bị đổ sập hoàn toàn, những ngôi nhà còn lại thì hư hỏng nặng.
Anh Lò Văn Quyển, sống ở bản Poọng kể lại: “Lúc ấy mưa to quá. Trời lại nhá nhem tối. Cả gia đình tôi đang ngồi trong nhà thì nghe một tiếng ầm bên ngoài. Vội chạy ra xem thì thấy đất đá đang lăn từ trên núi xuống. Tôi chỉ kịp hô hoán gia đình mình và mọi người chạy ra ngoài”.
Theo anh Quyển, trong phút chốc ngôi nhà của anh cùng nhiều ngôi nhà khác bị lũ vùi lấp, cuốn trôi. Không thể tin nổi. Tất cả tài sản, vốn liếng tích góp nhiều năm qua của người dân giờ mất hết.
Tương tự, chị Vi Thị Đại nghẹn ngào: “Mất hết cả rồi các bác ơi! Ngôi nhà vừa mới dựng còn chưa trả hết nợ cho ngân hàng giờ nằm dưới lớp đất đá kia. Đất đai, hoa màu, vật nuôi cũng chẳng còn gì”.
Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung (Mường Lát) cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có hơn 130 căn nhà của người dân đã bị sập, bùn lấp và có nguy cơ sập… Trong đó, bản Poọng bị thiệt hại nặng nề nhất. Cả bản có 417 khẩu, thì tất cả phải sơ tán đến các nơi như: Đồn Biên phòng Tam Chung; trụ sở Huyện đội; Đội sản xuất của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5…
Khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho hay: Mặc dù trận mưa lũ đã qua gần một tuần lễ, nhưng hiện tại, huyện Mường Lát vẫn bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Nhiều điểm bị mất điện lưới quốc gia, sóng điện thoại mới được kết nối. Xăng, dầu của huyện cũng gần cạn kiệt, gạo ăn cũng bắt đầu thiếu… Đặc biệt, các đường ống dẫn nước đều bị hư hỏng.
Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được tích cực triển khai, nhưng địa phương gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, nước lũ dâng cao chảy xiết, nhiều tuyến đường vẫn bị chia cắt nên việc tiếp nhận hàng cứu trợ từ dưới xuôi lên rất trắc trở. Muốn khắc phục điện lưới, thì phải đợi thông được đường giao thông mới có thể dựng lại cột.
Bí thư Lương Minh Thông cho biết: Huyện đang tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, cung cấp xoong, nồi, quần áo cho dân… Toàn bộ các tuyến đường về trung tâm huyện đều bị sạt lở, hư hỏng, đứt gãy xuống sông, suối nên vẫn chưa tiếp cận được với bên ngoài.
Đối với vấn đề phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh cho bà con sau lũ, theo ông Hoàng Văn Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mường Lát, Bệnh viện đã thành lập phòng khám dã chiến để phục vụ bà con. Phòng khám đã tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho đồng bào. Tại bản Poọng, những bệnh nhân bị bệnh thông thường, bị thương nhẹ thì được điều trị tại chỗ; còn những bệnh nhân nặng thì được y bác sĩ cùng người nhà đưa vào bệnh viện để cấp cứu, điều trị.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 6/9/2018, huyện Mường Lát đã có tới 4 người chết, 3 người mất tích; hơn 130 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 314 ngôi nhà bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện Mường Lát đã tổ chức di dời hơn 1.500 người dân đến nơi an toàn. Tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đang bị hàng nghìn mét khối đất đá vùi lấp mặt đường; hệ thống nước sạch bị mất, điện lưới bị cắt, hàng trăm gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm héc ta hoa màu, ao cá của dân bị đất đá vùi lấp. Hai tuyến Quốc lộ 15A và 15C bị sạt lở hàng chục điểm, khiến giao thông từ miền xuôi lên bị tê liệt hoàn toàn.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng huy động tối đa phương tiện, máy móc, nhân lực làm việc 24/24h để sớm thông đường vận chuyển hàng cứu trợ cũng như thi công, khôi phục lại đường điện tại Mường Lát. Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Thiệt hại tại Mường Lát rất lớn. Điều chúng tôi cần nhất hiện nay là sự hỗ trợ lương thực, thuốc men từ bên ngoài”.lTối 5/9, chuyến gạo cứu trợ đầu tiên đã theo đường thủy dọc sông Mã để đến với huyện Mường Lát, Thanh Hóa, nơi đang bị cô lập do mưa lũ, đường giao thông chính bị vùi lấp. 2 xuồng máy chở hơn 3 tấn gạo, sau 4 giờ đã cập bến Mường Lát trong chờ đợi của tất cả người dân.Mường Lát bị cô lập ngày thứ 8, lương thực dự trữ trong nhân dân không còn, nước sinh hoạt rất khan hiếm, các công trình ống dẫn nước từ suối đều bị vỡ...
PV