Điều chỉnh chính sách từ số liệu thống kê
Nhà ở là nhu cầu cơ bản, đồng thời là một trong những chỉ số để đo lường tình trạng nghèo. Thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo có nhu cầu cấp bách về nhà ở, nhất là các hộ DTTS sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tiếp nối chính sách tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, từ năm 2008, các hộ DTTS có nhu cầu cấp bách về nhà ở đã được hỗ trợ theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg). Thực hiện các quyết định này, tính đến hết năm 2012, đã có 224.000 hộ DTTS được hỗ trợ để có nhà ở bảo đảm “3 cứng” (nền cứng, mái cứng, khung - tường cứng).
Cùng với ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2023, có 139.995 căn nhà Đại đoàn kết được trao cho hộ nghèo trên cả nước. Lũy kế giai đoạn 2000 – 2023, cả nước có 1.762.938 căn nhà Đại đoàn kết đã được xây mới, hoặc cải tạo để hộ nghèo an cư.
Nhưng đến năm 2015, kết quả từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần đầu tiên được tổ chức trên phạm vi cả nước cho thấy, ở vùng DTTS và miền núi mới chỉ có 14,5% hộ DTTS có nhà kiên cố (tỷ lệ bình quân chung cả nước là 46,7); có tới 85,5% hộ vẫn ở trong nhà bán kiên cố hoặc nhà tạm, nhà dột nát.
Dữ liệu này là một trong những cơ sở để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 15/8/2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2). Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đặt mục tiêu hỗ trợ khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn; trong đó ưu tiên hộ DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khăn, có nhu cầu cấp bách về nhà ở.
Với việc triển khai hiệu quả chính sách và sự chung tay của toàn xã hội, nhu cầu về nhà ở của người dân vùng DTTS và miền núi từng bước được giải quyết. Đến năm 2019, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ hai cho thấy, tỷ lệ hộ DTTS có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 79,2% tổng số hộ toàn vùng (bình quân chung cả nước là 93,1%).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, các địa phương triển khai thiết kế mẫu nhà nhà ở theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, rồi áp dụng thi công trong thực tiễn. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm vắng bóng dần những nếp nhà truyền thống của đồng bào DTTS.
Kết quả điều tra 53 DTTS lần thứ hai cho thấy, tại thời điểm tháng 4/2019, chỉ có 26,2% hộ DTTS đang ở trong ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình, giảm 3,1 điểm phần trăm so với năm 2015 (29,3%).
Từ năm 2021, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ DTTS có nhu cầu cấp bách tiếp tục được triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).
Trong Thông tư số 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc quy định, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS được thực hiện theo phong tục tập quán của địa phương, căn cứ nguyện vọng của đồng bào. Hướng dẫn này nhằm hướng tới mục tiêu “kép” trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS (vừa bảo đảm “an cư”, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong kiến trúc nhà ở).
Tiếp tục cải thiện để giảm nghèo bền vững
Chương trình MTQG 1719 đặt chỉ tiêu, đến hết năm 2025 sẽ hỗ trợ khoảng 18.300 hộ DTTS về nhà ở. Sau gần 4 năm triển khai, nhiều hộ DTTS ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi, có nhu cầu cấp bách về nhà ở, đã được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để xây mới, hoặc cải tạo nhà ở bảo đảm kiên cố, tuổi thọ tối thiểu 20 năm.
Tuy nhiên, cần lưu ý là, năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang ở trong những ngôi nhà thiếu kiên cố, đơn sơ. Từ đó đến nay, với việc xã hội cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, hàng nghìn ngôi nhà “3 cứng” tiếp tục được trao cho hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi.
Nhưng, ở địa bàn này vẫn còn nhiều hộ nghèo đang ở trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát; một bộ phận nhà ở của hộ DTTS trước đây đã được xây mới, hoặc cải tạo kiên cố từ chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, nhưng nay đã hư hỏng, xuống cấp.
Cần thấy rằng, trước đây, chính sách hỗ trợ về nhà ở đều có định mức rất thấp. Như với Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ (ở địa bàn khó khăn là 07 triệu đồng/hộ); được vay tín dụng ưu đãi tối đa 08 triệu đồng/hộ (từ Chương trình 167 giai đoạn 2 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, định mức vay được nâng lên 25 triệu đồng/hộ).
Định mức thấp, yêu cầu diện tích tối thiểu phải đạt 24m2 nên tuổi thọ của “nhà 167” thường không dài (theo quy định tối thiểu phải đạt 10 năm). Nếu tính từ lúc triển khai Quyết định 167/2008/QĐ-TTg đến thời điểm tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ hai, thì các “nhà 167” vừa đủ “định mức” về tuổi thọ tối thiểu.
Với định mức hỗ trợ thấp nên yêu cầu tuổi thọ về nhà ở trong Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg là không dài. Riêng tại Bắc Kạn, toàn tỉnh thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nhà ở trước đây, nay vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống".
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân
(Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về số hộ DTTS đang sinh sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố, trước đây đã được hỗ trợ xây mới, hoặc cải tạo nhà.
Nhưng với việc có nhiều ngôi nhà chính sách nay đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn đã làm “dày” thêm danh sách hộ nghèo của cả nước đang thiếu hụt chỉ số về chất lượng nhà ở, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 trên phạm vi toàn quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở chưa đảm bảo “3 cứng” theo chiều thiếu hụt về chất lượng là 315.029 hộ; trong đó, hộ nghèo là 230.540 hộ; hộ cận nghèo là 84.489 hộ.
Đó là chưa kể, thiên tai ngày càng cực đoan, gây nhiều thiệt hại về nhà ở của người dân, phần lớn ở khu vực miền núi, vùng DTTS. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng năm 2024, cả nước có 28,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; trước đó, năm 2023 cũng đã có gần 30.300 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng do thiên tai.
Vì vậy, thông tin về thực trạng nhà ở của hộ DTTS trong cuộc điều tra thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, sẽ là một dữ liệuquan trọng trong hoạch định chính sách trong thời gian tới. Trước mắt, những thông tin về thực trạng nhà ở của các hộ DTTS sẽ là một trong những tham chiếu quan trọng để đánh giá kết quả giảm nghèo đa chiều của giai đoạn 2021 – 2025, là cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí nghèo đa chiều cho giai đoạn 2026 – 2030, từ đó có những chính sách can thiệp hiệu quả hơn để giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 2 đến ngày 8/10/2023), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW. Nghị quyết đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, cả nước xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.