Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, miền núi: Còn nhiều bất cập

PV - 15:22, 03/04/2018

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các huyện miền núi là “trao cần câu” để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc triển khai chính sách này vẫn còn nhiều bất cập.

Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, những năm trước đây, phần lớn các chương trình cấp cây, con giống đều trái với lịch thời vụ, mùa nắng cấp cây, mùa mưa thì cấp con giống! Nghịch lý này làm cho số lượng cây, con giống được cấp trong thời gian qua bị chết hoặc chậm phát triển, chưa đem lại hiệu quả thật sự.

Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi là cần thiết để giúp người dân miền núi thoát nghèo nhưng phải đảm bảo đúng thời vụ (ảnh minh họa). Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi là cần thiết để giúp người dân miền núi thoát nghèo nhưng phải đảm bảo đúng thời vụ (ảnh minh họa).

Theo ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, do cấp vốn chậm, nên việc lập dự án, phê duyệt đề án cấp cây, con giống cũng chậm theo. Cụ thể, đối với Trà Bồng, người dân chỉ đăng ký trồng cây quế. Theo lịch thời vụ, cây quế phải trồng vào tháng 9, 10 âm lịch, nhưng đến tháng 11 mới cấp, thì không phù hợp, dẫn đến tỷ lệ sống không cao. Còn đối với vật nuôi nên cấp vào mùa hè, nhưng ngược lại thường cấp vào mùa mưa lạnh. Vì vậy, các

dự án cấp bò lai Zebu, dê Bách Thảo, vịt xiêm (ở Sơn Tây), dự án hỗ trợ nuôi thỏ (ở Tây Trà)... chỉ sau vài ngày nhận, vật nuôi đã bị bệnh hoặc chết.

Trong khi đó, tại vùng miền núi của tỉnh Phú Yên, thời gian qua, chính quyền các cấp đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất gắn với thay đổi tập quán lạc hậu. Thế nhưng, những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, có thể xóa nghèo bền vững lại khó nhân rộng.

Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Qua nhiều năm, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò, heo từ các tổ chức từ thiện, các Chương trình như 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Những năm trước, khi giá bò, heo cao thì những vật nuôi này thực sự là tài sản có giá trị, giúp các hộ thoát nghèo. Nhưng từ hơn một năm nay, giá bò, heo giảm khiến nhiều hộ nghèo phải bán với giá thấp nên lại tái nghèo…

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất kém hiệu quả, là do khâu quản lý của xã chưa chặt chẽ. Có nhiều trường hợp cấp cây giống ồ ạt theo kiểu người có đất cũng cấp mà không có đất cũng cấp. Trong khi đó, đồng bào vùng cao thường có tâm lý “cho thì nhận”. Song thực tế nhiều hộ nhận xong không có đất để trồng, lại bỏ mặc cây giống.

Trước thực trạng trên, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã thống nhất quan điểm, trước khi cấp giống cho dân phải lấy ý kiến của dân, đồng thời đi kiểm tra thực tế dân có đất hay không, để tránh trường hợp cấp tràn lan như trước đây.

Còn theo bà Ksor Chiểu, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên, việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn nhiều năm qua vẫn mang tính đại trà, chưa có yếu tố đặc thù của từng địa phương. Đúng ra hằng năm, chính quyền các cấp phải nghiên cứu thị trường, định hướng bà con nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế cao.

“Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, các cấp ngành liên quan cần xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp với thực tế từng địa phương; chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giảm tối đa chi phí mà vẫn tăng sản lượng…”, bà Chiểu nói.

LÊ PHƯƠNG