Tự nguyện tinh giản-khó!
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII (tổ chức tháng 6/2018), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, sau 20 năm (1997-2017), đội ngũ cán bộ trên cả nước tăng từ 1.351.900 người lên 2.726.917 người (tăng 100%). Trong khi, cũng trong thời gian đó, dân số chỉ tăng từ 77 triệu lên 92 triệu người (tăng 20%).
Trước đó (tháng 11/2017), tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng đưa ra số liệu: Sau 2 năm (2015-2017) thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên. Cụ thể, theo Nghị quyết 39-NQ/TW, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, nhưng sau 2 năm, thực tế lại tăng lên 96.000 người.
Để tinh giản biên chế, ngoài việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp thì việc vận động đội ngũ cán bộ thôi việc tự nguyện, nghỉ hưu trước tuổi được xem là giải pháp hữu hiệu. Chính sách hỗ trợ cán bộ thôi việc tự nguyện, nghỉ hưu trước tuổi được quy định cụ thể tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Đây là chính sách nhằm động viên, khuyến khích cán bộ tự nguyện nghỉ việc, được kỳ vọng góp phần tinh giản biên chế, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Nhưng thực tế, dù đã có chính sách khuyến khích, động viên nhưng số cán bộ thôi việc tự nguyện, nghỉ hưu trước tuổi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do cơ chế hỗ trợ chưa phù hợp để khuyến khích cán bộ tự nguyện thôi việc.
Như trường hợp bà Mai Thị Hoa, cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo xã Trà Giang (Bắc Trà My, Quảng Nam). Bà đã có 13 năm công tác, nhưng mới chỉ tham gia đóng BHXH được 8 năm. Theo quy định của Nghị định 108/2014/NĐ-CP, nếu nghỉ hưu trước tuổi thì bà chỉ được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu (55 tuổi với nữ); ngoài ra sẽ không được hỗ trợ gì thêm vì số năm đóng BHXH của bà chưa đủ (theo quy định là đóng đủ 20 năm BHXH sẽ được trợ cấp thêm 5 tháng lương; từ năm thứ 21 trở đi thì mỗi năm được trợ cấp 1/2 tháng lương).
Còn nếu tự nguyện thôi việc ngay, bà Hoa sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; đồng thời được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Bà Hoa đã công tác 13 năm, nhưng mới chỉ đóng BHXH 8 năm, tức là 5 năm công tác trước đó sẽ không được tính để hỗ trợ nếu thôi việc ngay. Cân đo thiệt hơn giữa việc “nhường chỗ” và tiếp tục công tác, bà Hoa chọn phương án ở lại.
Hỗ trợ “nhường chức vụ” có khả thi?
Trong Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế có bổ sung thêm đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi để bố trí cán bộ trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề ở chỗ ai sẽ là người tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, chế độ ưu đãi với họ thế nào và làm thế nào để cán bộ tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế?
Đà Nẵng, Hà Giang là hai địa phương sớm đưa ra phương án để trả lời những câu hỏi này. Tại kỳ họp thứ 7 HĐND khoá IX (tháng 7/2018), Đà Nẵng đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc. Độ tuổi áp dụng chính sách là 55 với nam và trên 50 với nữ. Ngoài các mức hỗ trợ được hưởng một lần theo quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP, lãnh đạo thôi việc tuỳ theo chức danh công tác, sẽ được hỗ trợ thêm từ 100 đến 200 triệu đồng. Theo khảo sát của Sở Nội vụ Đà Nẵng, toàn Thành phố có khoảng 316 cán bộ, lãnh đạo thuộc đối tượng của chính sách mới.
Còn tại Hà Giang, theo Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND, ngày 10/7/2018 của HĐND tỉnh thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc ngay ngoài được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật, được tỉnh hỗ trợ một lần với mức 500 nghìn đồng/1 tháng làm việc (tương đương 6 triệu đồng/năm làm việc có đóng BHXH), nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/người. Cơ chế hỗ trợ của Hà Giang không quy định riêng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Việc ban hành cơ chế hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi là rất cần thiết để tinh giản bộ máy, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Bởi theo Nghị quyết 39- NQ/TW 2015 của Bộ Chính trị thì mục tiêu từ năm 2015 đến năm 2021 sẽ tinh giản được 10% số lượng đội ngũ cán bộ hưởng lương từ ngân sách. Nhưng tiến độ tinh giản biên chế vẫn rất chậm.
Theo TS. Vũ Văn Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế-Bộ Nội Vụ, tinh giản biên chế trong thời kỳ mới cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, từ nhiều phía, nhiều cách làm sáng tạo và có tính đột phá tích cực, khả thi phù hợp. Tinh thần của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã quán triệt có thể mở rộng các đối tượng tinh giản biên chế, không nhất thiết phải thiếu năng lực, yếu kém, tuổi tác... mà quan trọng nhất là làm thế nào để khuyến khích được tính tự nguyện của đội ngũ cán bộ thuộc diện tinh giản theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP (nay là Nghị định 113/2018/NĐ-CP).
SỸ HÀO