Chọn HLV cho đội tuyển bao giờ cũng là việc khó, vì người ta có thể tìm ra hàng chục lý do để cảm thấy tân HLV là người phù hợp nhưng cũng có chừng đó lý do để phản bác. Bởi nói cho cùng, kết quả sau cùng mới là thứ để phân định đúng - sai.
Lúc HLV Park Hang Seo mới đến, năng lực của ông là một dấu hỏi. Trong danh sách các ứng viên khi đó, ông Park chỉ là lựa chọn thứ 3 và chính ông thừa nhận, sự am hiểu của ông về bóng đá Việt Nam là con số 0.
Lúc sinh thời, có lần được hỏi đánh giá về việc VFF chọn HLV Nguyễn Hữu Thắng thay cho chuyên gia Nhật Bản Toshiya Miura, cố HLV Lê Thụy Hải không trả lời thẳng câu hỏi mà ông đưa ra một góc nhìn: "Các HLV nội có một điểm yếu, đó là họ hầu như không học thêm gì nhiều, không ra nước ngoài tu nghiệp vì thực tế là họ vẫn có việc làm tại V-League.
Tôi không nghĩ là các HLV ngoại có tài năng hơn, nhưng khi là một HLV chuyên nghiệp, họ học rất nhiều, tiếp thu cái mới rất nhiều vì họ kiếm sống bằng điều đó".
Hiểu một cách đơn giản lời của ông Lê Thụy Hải, đó là khả năng thích ứng quan trọng hơn am hiểu. Người muốn thích ứng ở mọi hoàn cảnh, đương nhiên là phải có trình độ để nắm vững các loại hình chiến thuật, phải có khả năng tiếp thu và học hỏi. Lấy ví dụ từ việc 2 cầu thủ Việt Nam đang chơi bóng ở châu Âu là Huỳnh Như và Quang Hải. Sự am hiểu của họ với 2 nền bóng đá xa lạ đương nhiên là con số 0, khác biệt nằm ở khả năng thích ứng. Đó chính là đẳng cấp. Huỳnh Như tiệm cận gần với đẳng cấp chơi bóng tại Bồ Đào Nha, còn Quang Hải thì có vẻ như Ligue 2 vẫn còn ở xa, chỉ cố gắng của bản thân thôi là chưa đủ.
Những nhà cầm quân thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam như Henrique Calisto, Alfred Riedl hay Park Hang Seo đều có một điểm chung, đó là họ hiểu bóng đá Việt Nam và biết cách để tận dụng, phát huy những điểm mạnh của cầu thủ Việt để tạo ra những chiến tích. Thế nên, khi lựa chọn một HLV mới, chúng ta luôn đề cao sự am hiểu.
Nhưng sự am hiểu đó cũng chỉ đem lại thành công xét trong một khuôn khổ hẹp là bóng đá Đông Nam Á. 3 HLV kể trên có tổng thời gian làm việc cùng đội tuyển Việt Nam là gần 20 năm nhưng chỉ có 2 chiến thắng trước Thái Lan trong khuôn khổ các giải đấu chính thức. Ngay như HLV Park Hang Seo, người có 5 năm thành công, là một tượng đài của bóng đá Việt Nam, cũng bất lực trong việc tìm chiến thắng trước người Thái sau 6 lần đụng độ chính thức ở vòng loại World Cup và AFF Cup.
Tại sao lấy thước đo là Thái Lan? Vì đơn giản đó là đội bóng Đông Nam Á duy nhất có tầm vóc châu lục. Vậy mà thắng họ cũng không hề đơn giản, dù có am hiểu đến mức nào.
Thế nên, nếu mục tiêu chỉ là săn tìm chiến tích ở Đông Nam Á, hãy ưu tiên chọn những người am hiểu. Ngược lại, nếu muốn đạt đến tầm vóc lớn hơn, hãy tìm đủ tiền để thuê những HLV có đẳng cấp. Đó không phải là lý thuyết, mà là đòi hỏi của thực tế. Khi đá các vòng loại Asian Cup hay World Cup (thông thường là 2 trong 1), thì Việt Nam sẽ được phân vào khu vực có nhiều đối thủ Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nếu vượt qua vòng loại, thì thành tích ở Asian Cup hay việc giành vé đi World Cup lại nằm ở các cuộc đụng độ với những đối thủ đến Tây Á, Đông Á. Nghĩa là việc am hiểu bóng đá Đông Nam Á chẳng còn mấy ý nghĩa. Bấy giờ, cái chúng ta cần là đẳng cấp, là các trải nghiệm của những HLV quen thuộc với những trận đấu đỉnh cao. Họ là những người đang kiếm sống bằng công việc nghiên cứu các đối thủ mạnh, quan sát những đổi thay về chiến thuật của bóng đá hiện đại, quá quen với bầu không khí và tốc độ thi đấu đỉnh cao.
Tất nhiên, một HLV đẳng cấp World Cup như Troussier vẫn có thể thất bại ở các sân chơi Đông Nam Á như thường. Điển hình như HLV Milovan Rajevac, người đưa Ghana vào tứ kết World Cup 2010, vẫn không thể giúp Thái Lan vào chung kết AFF Cup 2018, hay HLV Akira Nishino từng dự World Cup 2018 với Nhật Bản nhưng lại thất bại ở U23 Thái Lan. Câu chuyện nằm ở chỗ, chúng ta chọn HLV mới dựa trên vùng an toàn hay là tìm một thách thức mới…