Chị Lò Thị Vanh ở bản Khá là hộ đầu tiên trong xã Sặp Vặt (Yên Châu, Sơn La) mạnh dạn tham gia mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên. Cũng như tâm lý của bao người mới tham gia, mới đầu chị cũng băn khoăn không biết liệu cách làm mới có nâng cao năng suất hay không. Vì theo phương pháp mới, cấy lúa rất thưa nên hầu như người dân ai cũng tiếc đất, không muốn làm theo.
Thế nhưng, từ khi được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn việc cấy thưa là để cây lúa đẻ nhánh nhiều hơn, bông lúa nhiều và to hơn, ít sâu bệnh, chi phí giảm và hiệu quả kinh tế cao hơn, chị Vanh đã quyết định làm theo. Chị Vanh đã tiến hành gieo cấy trên diện tích gần 3 sào đất ruộng của gia đình, vụ đầu tiên thu được 3 tạ thóc/sào (trước đây chỉ thu được 2,5 tạ thóc/sào).
“Với phương pháp này, một lao động có thể cấy được hơn 2 sào/ngày. Quá trình chăm sóc cũng rất nhàn vì lúa ít sâu bệnh, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhìn cây lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc nên tôi rất vui. Năm nay, tôi đăng ký cấy trên toàn bộ diện tích ruộng nhà mình theo mô hình này”, chị Vanh vui vẻ chia sẻ.
Theo ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu cho biết, cấy lúa hàng biên là mô hình cấy lúa theo phương pháp cấy thưa theo hàng sông rộng, hàng sông hẹp, từ đó phát huy tối đa hiệu ứng của hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa. Kích thích lúa đẻ nhánh sớm, hạn chế sự phát sinh sâu hại. So với phương pháp cấy lúa truyền thống, cấy lúa hàng biên có các ưu điểm, như: Giảm lượng giống, công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật; lúa sinh trưởng tốt; bông to, chắc khỏe và năng suất cao hơn...
Công nghệ cấy lúa hàng biên cấy 01 hàng dày, 01 hàng thưa, không bón lót, chỉ bón thúc và bón đón đòng. Do đó chi phí giảm sâu, giống giảm 40-50%, phân bón giảm 30%, sâu bệnh giảm trên 70%, nhân công giảm trên 50-70%, kỹ thuật cấy, chăm sóc rất đơn giản, nông dân dễ làm theo. Điều này giúp giảm mạnh chi phí vật tư, công lao động và giảm tới 30-40% giá thành sản xuất lúa, lại tăng năng suất từ 15-40%.
Phương pháp cấy lúa hàng biên được huyện Yên Châu ứng dụng từ đầu năm 2018. Dưới sự phối hợp của Hội Phụ nữ huyện, chị em phụ nữ xây dựng mô hình điểm tại 3 xã Chiềng Khoi, Chiềng Pằn và Sặp Vạt, với quy mô gần 4.000m2. Qua thực tế cho thấy, mô hình thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên tại 3 xã giảm 30% lượng giống; giảm 20% công làm mạ và công cấy, công chăm sóc; giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40% phân bón; lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đẻ nhánh nhanh; lúa trổ đều, bông to, chắc hạt... Năng suất lúa tăng từ 10 đến 20% so với cấy lúa truyền thống.
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình thí điểm thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên, vụ Xuân năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tiếp tục phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên cho trên 2.000 lượt hộ nông dân các xã Sặp Vạt, Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Tú Nang, Chiềng Đông... Đẩy mạnh tuyên truyền người dân mở rộng diện tích thâm canh lúa theo hiệu ứng hàng biên, nhờ đó, diện tích gieo cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên được nông dân trong toàn huyện nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
HOÀNG QUÝ